Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm ¾ diện tích tự nhiên của nước ta, trong 54 dân tộc thì có 53 dân tộc thiểu số với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết, tính đến 31.8.2019, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với doanh số cho vay gần 136 nghìn tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 86 nghìn tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH. Dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng trong khi bình quân chung là 30,4 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211 nghìn học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở... Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, bà con mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả…
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện; qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước.
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung, ưu tiên nguồn vốn dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay. Đối với tín dụng chính sách, đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phụ thuộc vào quy định chung về thời hạn và mức cho vay.
“Để tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, Quốc hội cần hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên nhất, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các Quyết định được ban hành ”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề xuất.