Thúc đẩy hạt nhân kinh tế
Vẫn là miền quê thuần nông, nhưng Kim Liên giờ đã khoác trên mình áo mới - màu của sự trù phú, ấm no. Ở đây, trừ những người không có khả năng lao động, còn hầu hết người dân nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu phát triển kinh tế, đều được tiếp cận dòng vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Nam Đàn, đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 72 hộ nghèo thì năm 2019 còn 50 hộ, tương đương 0,26%, chủ yếu là các hộ già cả, neo đơn không nơi nương tựa. Dư nợ của xã Kim Liên hiện là 22,5 tỷ đồng, với 10 chương trình cho vay. Trong số các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay, Hội CCB có dư nợ cao nhất, với trên 11 tỷ đồng. |
Bên ngôi nhà khang trang thơm mùi sơn, anh Trần Khắc Nhượng - hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) ở xóm Hội 3, xã Kim Liên nhớ lại những ngày tháng “nghèo kinh niên”. Mãi đến năm 2012, cơ hội phát triển kinh tế mở ra khi thông qua Hội CCB, anh Nhượng được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư nuôi lợn, gà, vịt, bò. Tích lũy từng đồng qua những lứa lợn, gà, bò, kinh tế của gia đình anh bắt đầu ổn định. Năm 2014, gia đình anh Nhượng đã thoát nghèo. Thêm một vòng vay nguồn vốn hộ cận nghèo 50 triệu đồng, anh mở rộng quy mô chăn nuôi, làm ruộng. Kinh tế cứ thế vững dần, giúp anh chị có của ăn, của để.
Niềm vui nhân lên gấp bội khi 2 đứa con anh Nhượng được hiện thực giấc mơ học đại học từ nguồn vốn tín dụng học sinh sinh viên (HSSV). Con trai lớn đã tôt nghiệp Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, có việc làm ổn định. Con trai út đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. “Hiện dù vẫn đang nợ 120 triệu đồng từ Chương trình hộ cận nghèo và HSSV nhưng tôi hoàn toàn tự tin sẽ sớm trả dứt nợ ngân hàng” - anh Nhượng quả quyết.
Người dân xã Kim Liên, Vân Diên vay vốn NHCSXH sản xuất miến gạo |
Ở Kim Liên bây giờ không thiếu những mô hình trang trại quy mô và làm ăn hiệu quả. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Hà Trung ở xóm Sen 4, xã Kim Liên. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng năm 2008, anh Trung từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi. Hơn 10 năm nỗ lực phát triển từ quy mô nhỏ, rồi tích lũy dần cùng số vốn của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, đến nay gia đình anh có trang trại chăn nuôi rộng 3,5ha để đào ao thả cá và nuôi lợn. Hiện trang trại của anh có tới 30 con lợn nái, 300 con lợn thịt, mỗi năm bình quân bán 35 tấn lợn thịt. Cùng với 12 tấn cá mỗi năm, doanh thu từ trang trại mỗi năm cũng ngót nghét hàng tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Kim Liên Trần Lê Chương khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách là một cấu phần quan trọng, góp phần giúp người dân quê Bác phát triển kinh tế, nhất là khi xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019 này. Theo ông Chương, Kim Liên không phải là điểm sáng duy nhất trong phong trào phát triển nông thôn mới trên mảnh đất Nam Đàn. Dòng chảy tín dụng liên tục với tốc lực ngày càng mạnh trong những năm gần đây trải rộng ở 23/23 xã của huyện cùng với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sự nỗ lực cần mẫn của chính những người dân nơi đây đã giúp huyện Nam Đàn trở thành huyện thứ 3 cán đích nông thôn mới đầu vào năm 2018.
Phù hợp với từng yêu cầu phát triển
Để chung tay cùng Nam Đàn trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, một lần nữa NHCSXH cũng như tỉnh đã dồn nguồn lực tín dụng cho huyện. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nam Đàn đến ngày 16.5.2019 đạt 307 tỷ đồng. Doanh số cho vay 5 tháng đầu năm 2019 đạt 63 tỷ đồng, với 1.660 lượt hộ được vay vốn, càng minh chứng cho dòng chảy tín dụng nhanh và hữu hiệu. Trong đó, NHCSXH tiếp tục đầu tư nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo, trọng tâm là các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng doanh số cho vay đạt hơn 94 tỷ đồng, chiếm 83% tổng doanh số cho vay, với 2.100 khách hàng được vay vốn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng, với doanh số cho vay đạt 20 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18%. Nhờ đó, đã có 85 hộ xoá được nhà ở tạm bợ, dột nát; 3.320 hộ sinh sống trên địa bàn nông thôn vay vốn xây dựng được 3.290 công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, giúp cải thiện môi trường sống; 75 lao động được tạo việc làm mới... Dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đến nay đạt 304 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ, tăng 22 tỷ đồng so với đầu quý I và đầu năm 2019.
Quy mô và chất lượng tín dụng thêm nhịp đẩy từ khi triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện. Những ngày đầu năm 2019, với sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Tập đoàn Bảo Sơn ủy thác qua NHCSXH huyện để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở xã Nam Cường vay với số tiền 1,5 tỷ đồng. Phòng Tài chính đã tham mưu tốt cho HĐND huyện, UBND huyện trích kịp thời ngân sách 200 triệu đồng, bên cạnh đó Huyện đoàn cũng thực hiện tốt Chỉ thị số 40 chuyển 200 triệu đồng sang NHCSXH huyện để cho vay các đối tượng chính sách theo chỉ định. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến thời điểm này là 1,9 tỷ đồng. Qua đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện Nam Đàn là 2,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện là 700 triệu đồng, Tập đoàn Bảo Sơn 1,5 tỷ đồng, Huyện đoàn 200 triệu đồng.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương, của NHCSXH Nam Đàn và sự vươn lên của mỗi người dân, đã giúp họ đẩy lùi cái nghèo; tạo điều kiện cho các em học sinh được tiếp cận nguồn vốn, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp cho giới trẻ. Đây cũng chính là hướng tạo việc làm ổn định trong tương lai và giảm số lao động dôi dư trên địa bàn. Các chương trình cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội làm giàu bền vững.