Đại hội đồng IPU - 140 và cam kết của Quốc hội Việt Nam

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:16 - Chia sẻ
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 vừa bế mạc tại Doha, Qatar. Tham dự Đại hội đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với IPU và Liên Hợp Quốc thực hiện mục tiêu về giáo dục nói riêng và các Mục tiêu Phát triển bền vững nói chung, như IPU luôn đặt niềm tin và lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để làm hình mẫu trong thực hiện các mục tiêu này.

Tầm nhìn dài hạn và nhân văn

 Hội đồng Điều hành IPU đã xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua Báo cáo và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền của các nghị sĩ IPU, báo cáo các Ủy ban và các cơ chế khác trong IPU; các báo cáo về các hội nghị chuyên đề của IPU trong thời gian gần đây. Theo thông báo của Chủ tịch IPU, Đại hội đồng IPU - 141 sẽ diễn ra từ ngày 13 - 17.10.2019 tại Belgrade, Serbia; Đại hội đồng IPU - 142 từ ngày 15 - 19.4.2020 tại Geneva, Thụy Sĩ. Các kỳ Đại hội đồng IPU - 143 và IPU - 144 đã nhận được lời mời đăng cai từ Rwanda và Kenya. Hội đồng Điều hành cũng tiến hành bầu 1 thành viên vào Ban Chấp hành thay thế Bà A.Habibou (Niger) sẽ hết nhiệm kỳ ở kỳ họp lần thứ 204 của Hội đồng Điều hành; 1 thành viên vào Ủy ban Nhân quyền của Nghị sĩ; 2 thành viên vào Ủy ban về các vấn đề Trung Đông; 1 thành viên hỗ trợ Nhóm các vấn đề Đảo Síp; 2 thành viên vào Ủy ban thúc đẩy việc tuân thủ Luật pháp quốc tế nhân đạo; và 21 thành viên tham gia Nhóm cố vấn cấp cao về chống khủng bố và Chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Hội đồng Điều hành cũng đã thảo luận về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 các Chủ tịch QH thế giới, dự kiến vào tháng 8.2020.

Đại hội đồng IPU lần thứ 140 tổ chức tại Doha, Qatar được IPU và chủ nhà Qatar đánh giá là một Đại hội thành công khi có tới 1.672 đại biểu đến từ 162 Nghị viện thành viên tham dự, trong đó có 76 Chủ tịch QH, người đứng đầu Nghị viện cùng 12 tổ chức thành viên liên kết và quốc tế. Tiếp theo các hoạt động của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 6 - 8.4, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch IPU đã cùng với Nhóm Đại biểu Quốc hội Việt Nam trong IPU tham dự tất cả các hoạt động của Đại hội đồng đến hết phiên bế mạc ngày 10.4.

Đoàn Việt Nam và các đại biểu đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU - 140 “Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền” nêu bật ý nghĩa quan trọng của giáo dục và vai trò của các nghị viện trong việc thúc đẩy giáo dục vì mục tiêu hòa bình, an ninh và pháp quyền. Hòa bình, an ninh và pháp quyền là những mục tiêu xuyên suốt mà cộng đồng quốc tế theo đuổi, là điều kiện tiên quyết cho nhân loại đạt được cuộc sống hạnh phúc và phát triển kinh tế - xã hội nhất là khi thế giới trong thế kỷ XXI chứng kiến nhiều hành động can thiệp quân sự, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, tấn công mạng, chủ nghĩa dân tộc và cực đoan đang đẩy thế giới vào tình trạng ngày càng nguy hiểm và bất ổn. Với tư cách là đại diện Nghị viện các quốc gia, các đại biểu đã chia sẻ thực tiễn Nghị viện thúc đẩy giáo dục vì an ninh và hòa bình như thông qua, sửa đổi nhiều văn bản luật, tập trung ngân sách đầu tư cho giáo dục mỗi năm và chiến lược dài hạn, tăng cường giám sát, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đổi mới của hệ thống giáo dục.

Là một trong những Chủ tịch QH phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao nỗ lực của IPU, chủ đề của Đại hội đồng thể hiện tầm nhìn dài hạn, nhân văn của IPU, phát triển hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hợp tác đa phương và ngoại giao nghị viện; nêu các khuyến nghị và khẳng định Việt Nam cam kết là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và Nghị viện các nước thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần vào việc xây dựng hòa bình, phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp Hội đồng Điều hành tại IPU - 140
Ảnh: Trọng Đức

Đại hội đồng IPU - 140 đã thông qua Tuyên bố Doha nêu rõ, Mục tiêu 4 và của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững thể hiện rõ nét sự liên hệ giữa giáo dục và hòa bình. Giáo dục được xem là quyền cơ bản của con người, đem lại tri thức cho con người để tham gia vào đời sống cộng đồng, tăng cường gắn kết xã hội trên cơ sở chia sẻ những giá trị chung, có lòng bao dung, thấu hiểu và tôn trọng sự dạng văn hóa, khác biệt. Giáo dục phải bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả trong cộng đồng, không kể giới tính và phân chia khu vực nông thôn, thành thị, đặc biệt chú trọng vào giáo dục trẻ em, thanh niên để góp phần vào biến đổi xã hội.

IPU cam kết hỗ trợ các cơ chế và biện pháp tài chính nhằm thúc đẩy giáo dục là nền tảng nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và pháp quyền thông qua đề xuất một số nhóm giải pháp. Một là, bảo đảm sự tiếp cận về giáo dục cho tất cả mọi người, hướng tới đến năm 2030, mọi trẻ em, thiếu niên không phân biệt đối xử đều được phổ cập giáo dục tiểu học, trung học. Hai là, ủng hộ, hỗ trợ giáo dục đối với khu vực không chính thức. Ba là, thúc đẩy các chương trình giáo dục công dân toàn cầu, chú trọng trẻ em, thanh niên, nhóm yếu thế; khuyến khích đối thoại và tôn trọng văn hóa và tín ngưỡng. Bốn là, tăng cường  hợp tác liên nghị viện nhằm tăng cường các chương trình giáo dục cho công dân toàn cầu thông qua các sáng kiến hợp tác và trao đổi học sinh, sinh viên. Năm là, thực hiện Trường học an toàn, bảo vệ hệ thống giáo dục ở những nơi có xung đột và bất ổn (hiện có khoảng hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới).

Thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng của Tuyên bố Doha đó chính là “Dạy trẻ em biết yêu thương trước khi biết thù hận”. Việc trẻ em, thanh niên không được tiếp cận với giáo dục sẽ làm gia tăng nguy cơ cực đoan hóa và tạo kẽ hở để các nhóm khủng bố cực đoan gây ảnh hưởng. Vì vậy, chống khủng bố và cực đoan cũng là hai nội dung nổi bật của Đại hội đồng. Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về chống khủng bố khẳng định vai trò quan trọng của nghị viện, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với các công ước, thỏa thuận quốc tế về chống khủng bố. Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ IPU 2,1 triệu USD thực hiện sáng kiến trong 5 năm hỗ trợ hành động nghị viện nhằm đấu tranh và hạn chế ảnh hưởng của khủng bố.

Hành động để hiện thực hóa các mục tiêu

Đại hội đồng IPU - 140 cũng đã tiến hành bỏ phiếu lựa chọn chủ đề khẩn cấp và thông qua Nghị quyết chủ đề khẩn cấp “Kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Mozambique, Malawi và Zimbabwe khắc phục hậu quả của siêu bão Idai”. Ngoài ra, Đại hội đồng cũng đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế về “Không chấp nhận việc sử dụng lính đánh thuê và các chiến binh nước ngoài như một biện pháp phá hoại hòa bình và vi phạm nhân quyền” và dự kiến chủ đề thảo luận của Ủy ban tại IPU - 142 về “Chiến lược của Nghị viện nhằm tăng cường hòa bình và an ninh chống lại mối đe dọa và xung đột do thảm họa liên quan đến khí hậu”; thông qua Nghị quyết của Ủy ban 2 về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại về “Vai trò của đầu tư, thương mại tự do và bình đẳng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến bình đẳng kinh tế, hạ tầng bền vững, công nghiệp hóa và sáng tạo” và dự kiến chủ đề thảo luận của ủy ban tại IPU - 142 về “Lồng ghép số hóa và nền kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”. Bên cạnh đó, Hiệp hội Tổng Thư ký ASGP đã họp, thảo luận chung về kinh nghiệm xây dựng luật, tổ chức các hoạt động thông tin, nghiên cứu phục vụ Quốc hội, những đổi mới tại Nghị viện đáp ứng yêu cầu tương lai. Các đại biểu cũng nghe chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin của Nghị viện Ấn Độ, Hội đồng Cố vấn Qatar. Hội nghị ASGP bầu bổ sung Tổng Thư ký Gruzia vào Ban Chấp hành của Hiệp hội.

Chủ tịch IPU đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Đại hội đồng IPU - 140 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tổ chức này và đánh giá là kỳ họp có sự tham gia cấp cao nhất từ trước đến nay. IPU - 140 kết nạp thêm thành viên mới, Saint Vincent và Grenadines, nâng tổng số thành viên IPU lên 179 Nghị viện. Lần đầu tiên tại hội nghị IPU đã tổ chức Đối thoại bàn tròn dành cho các Chủ tịch QH với chủ đề “Suy giảm lòng tin vào dân chủ: Điều cần thiết phải xem lại các mô hình quản trị”. Đặc biệt, IPU - 140 đã kêu gọi tiếp tục đối thoại hòa bình để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề ở Venezuela và Bán đảo Triều Tiên nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới vì lợi ích của người dân. Chủ tịch IPU mong muốn các nghị viện thành viên sau kỳ họp Đại hội đồng và quay trở về nước cần hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra về tăng cường giáo dục, coi đây là nền tảng cho xây dựng một nền dân chủ, nhân quyền, nhằm góp phần xây dựng hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung tất cả mọi người trên toàn thế giới.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực với vai trò của một thành viên có trách nhiệm của IPU. Phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của QH Việt Nam trong việc hợp tác với IPU và Liên Hợp Quốc nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững SDGs mà IPU luôn đặt niềm tin và lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để làm hình mẫu trong thực hiện mục tiêu này. Các Đại biểu Quốc hội nước ta đã tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến tích cực tại tất cả các phiên họp của Ban Chấp hành, các Ủy ban Thường trực, Hiệp hội Tổng Thư ký ASGP và các cơ chế khác trong khuôn khổ IPU. Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trong vai trò thành viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch IPU đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của Ban Chấp hành, được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao.

Kim Chi