Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tinh gọn gắn với hiệu lực, hiệu quả

- Thứ Ba, 04/06/2019, 07:52 - Chia sẻ
Quá trình triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật 2015) thời gian qua cho thấy, có những quy định đã “chuyển hóa” nhưng chưa thể hiện đầy đủ chức năng, bản chất cơ quan đại diện quyền lực nhân dân; có những vấn đề cấp thiết phát sinh cần phải bổ sung để điều chỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội… Do đó, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết, nhưng phải thận trọng trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn thuyết phục và phải đặt trong mối quan hệ tinh gọn bộ máy đồng thời với hiệu lực, hiệu quả gắn với phân quyền, phân cấp, ủy quyền.

Thận trọng trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn

Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới triển khai thực hiện hơn nửa nhiệm kỳ, cơ chế thực thi quyền lực mới vận hành, chưa có tổng kết, đánh giá khoa học. Có thể trong điều kiện nền kinh tế, xã hội phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trở thành phổ biến thì một đại biểu HĐND có năng lực đại diện cho số lượng cử tri nhiều hơn quy định hiện hành; nhưng việc đặt vấn đề giảm biên chế chỉ để giảm chi ngân sách, từ đó đề xuất giảm số lượng đại biểu, nhất là Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh và tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II là chưa thuyết phục. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để tránh “tư duy nhiệm kỳ”.

Không chỉ nước ta, tổ chức chính quyền địa phương là một trong những vấn đề rất được coi trọng trong tiến trình cải cách hành chính của các nước. Xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và định biên cho một tổ chức phải căn cứ mức độ phức tạp để đạt mục tiêu của tổ chức đó. HĐND và UBND là những tổ chức hành chính nhà nước trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam. Quan điểm thể chế, thiết kế mô hình tổ chức và hoạt động hiệu quả của HĐND các cấp xuất phát từ mục tiêu bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc, bảo vệ và không ngừng phát huy các giá trị của nền dân chủ, cộng hòa; xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc ban hành Luật 2015 sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 (Luật 2003) và tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND ở một số địa phương đã khẳng định ý chí của nhân dân về điều đó.

Thực tiễn quá trình triển khai thi hành Luật 2015 trong thời gian qua cho thấy, có những khái niệm và quy định mới của Luật chưa kịp chuyển hóa vào đời sống; có những quy định đã “chuyển hóa” nhưng chưa thể hiện đầy đủ chức năng, bản chất cơ quan đại diện quyền lực nhân dân. Mặt khác, cũng có những vấn đề cấp thiết phát sinh cần thiết phải bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết, nhưng phải thận trọng trên cơ sở căn cứ khoa học, thực tiễn thuyết phục và phải đặt trong mối quan hệ tinh gọn bộ máy đồng thời với hiệu lực, hiệu quả, gắn với phân quyền, phân cấp, ủy quyền.


Phiên họp thứ 21 của Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng , nhiệm kỳ 2016 - 2021

Trách nhiệm phải cụ thể

Luật 2015 có một số thay đổi cơ bản so với Luật 2003, đó là việc hình thành “chính danh” các cơ quan của HĐND các cấp. Theo đó, không phải ngẫu nhiên mà tại Khoản 3, và 4, Điều 6 quy định: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND,…”, “Ban của HĐND là cơ quan của HĐND,…”. Thường trực và các Ban của HĐND được xác định là các cơ quan nhà nước. Xét về lý luận tổ chức nhà nước và nội hàm của nó thì các cơ quan nhà nước có tính độc lập tương đối, có trách nhiệm tham gia thực hiện các chức năng của Nhà nước, thay mặt Nhà nước đảm nhiệm một phần hay một công việc, một nhiệm vụ, được trao thẩm quyền nhất định. Đó là một loại quyền lực chính trị đặc biệt - quyền lực pháp lý - để làm phương tiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Trong đó, quyền ban hành quyết định pháp luật là yếu tố quan trọng nhất trong thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Đây là đặc trưng cơ bản để phân biệt cơ quan Thường trực HĐND, Ban của HĐND với “bộ phận thường trực” theo Luật 2003, với tổ chức xã hội và cơ quan khác. Phải chăng nội dung mới này của Luật 2015 chưa kịp chuyển hóa, thực thi?
Quyền hạn chung của HĐND rất lớn nhưng trách nhiệm thì phải cụ thể. Để tương xứng với địa vị pháp lý, đề nghị bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thường trực HĐND. Trong đó, quy định thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật, các quyết định cá biệt khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được pháp luật giao, được cơ quan nhà nước cấp trên và HĐND cùng cấp ủy quyền.

“Thường trực” mà “không thường trực”

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan Thường trực HĐND, Ban của HĐND. Với quy định hiện hành, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Hiện nay, đa số Chủ tịch HĐND các địa phương do Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm nhiệm; nhiều nơi các Ủy viên thường trực là Trưởng Ban của HĐND do các Trưởng ban Đảng là Ủy viên Ban thường vụ cấp ủy kiêm nhiệm. Có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổ chức “Thường trực” mà “không thường trực” vì hầu hết nhân sự đều kiêm nhiệm; trong phần lớn các trường hợp, công việc chính chiếm quá nhiều thời gian, công sức, trí lực, ảnh hưởng đến sự toàn tâm toàn ý của Ủy viên thường trực kiêm nhiệm. Trong khi đó, quyền hạn của các Phó trưởng Ban HĐND chuyên trách thì chưa cụ thể và còn hạn chế, mặc dù Ban hoạt động theo nguyên tắc tập thể. 

Để HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan của HĐND cùng cấp thực hiện có hiệu quả quyền hành pháp được phân quyền, phân cấp theo luật định, có đủ năng lực thể chế hoạch định, đề xuất chính sách, quyết định quản lý hiệu quả, đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và 2 Phó trưởng Ban HĐND cấp tỉnh. Đề nghị bổ sung quy định các Phó Trưởng ban HĐND chuyên trách được tham dự các phiên họp của Thường trực HĐND, có quyền phát biểu chính kiến của mình về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; được Trưởng Ban ủy quyền tham dự, biểu quyết tại các phiên họp của Thường trực HĐND khi Trưởng ban vắng mặt.

Chi phí hợp lý nhất chứ không phải thấp nhất

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật lần này là bảo đảm đẩy mạnh cải cách nền hành chính, thực hiện mục tiêu tinh gọn, gắn với hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Muốn vậy, phải phát triển nền hành chính ngày càng dân chủ, minh bạch, với chi phí hợp lý nhất chứ không phải là chi phí thấp nhất; coi trọng tiêu chí năng lực, năng suất lao động, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời phải đáp ứng điều kiện hướng đến một nền hành chính phát triển và chính phủ điện tử, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng 4.0 vào quản lý nhà nước.

Thực tiễn hiện nay khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, có những địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện mang tính hình thức, đối phó, chỉ giảm cơ học biên chế nơi này, nơi kia; “thiết kế” lộ trình giảm cán bộ, công chức “do nghỉ hưu” là chủ yếu… Chưa coi trọng các yếu tố về “chất” và “tinh” của đội ngũ cán bộ, công chức được bổ sung thay thế số nhân lực nghỉ hưu, giảm biên chế. Do đó, năng suất lao động xã hội chưa được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả và thực hiện lộ trình chính phủ điện tử.

ThS. Nguyễn Vân Hậu