Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Mỗi người dân vùng biên giới là "cột mốc sống"

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:14 - Chia sẻ
Nêu quan điểm chính sách của Nhà nước trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của nhân dân vùng biên giới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, xây dựng "phên dậu" trong lòng nhân dân cũng chính là xây dựng "phên dậu" bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người dân biên giới phải là cột mốc sống. Bảo vệ biên giới phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân.

 Nhân dân là chủ thể, bộ đội biên phòng là chuyên trách

Tại Kỳ họp thứ Chín, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng tại Khoản 6, Điều 3: “Xây lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới quốc gia rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách”. Theo ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo Luật nên bỏ đoạn “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách” vì không cần thiết và sẽ trùng lặp với Điều 7 về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Không đồng ý quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, chính sách nêu trên cũng là mục đích xây dựng dự án Luật. Căn cứ vào quan điểm này, Ban soạn thảo sẽ thiết kế và cụ thể hóa trong rất nhiều điều, khoản của dự thảo Luật. 

Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân thì còn có một thế trận đặc biệt quan trọng, đó là, thế trận lòng dân, đại biểu Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh. Đại biểu cũng lưu ý, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác biên phòng, nhiệm vụ biên phòng là phải củng cố và phát huy niềm tin của nhân dân vùng biên giới - đây là nguồn lực có giá trị mạnh mẽ cả hữu hình và vô hình - trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc. Chúng ta xây dựng được "phên dậu" trong lòng nhân dân cũng chính là "phên dậu" vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng biên phòng đã tổ chức nhiều chương trình và nhiều phong trào, hành động rất cụ thể, đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với lực lượng vũ trang và lực lượng biên phòng. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc dẫn chứng, có thể kể đến chương trình Mái ấm và Chương trình tặng bò giống cho người nghèo nơi biên giới hải đảo; Xuân biên phòng ấm lòng dân bản; Thầy giáo quân hàm xanh nâng bước em tới trường; Thầy thuốc quân hàm xanh trồng cây bảo vệ chủ quyền biên giới; Điểm sáng văn hóa vùng biên; Hãy làm sạch biển; Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và xây dựng mô hình con nuôi biên phòng”... Chúng ta còn đưa con em người đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đồn biên phòng để nuôi dạy đến khi các em tròn 18 tuổi. Nếu các em được học hành, chăm sóc tốt sẽ là một trong những lực lượng nòng cốt của nhân dân xây dựng "phên dậu" Tổ quốc ở nơi biên cương, đại biểu Nguyễn Phước Lộc cho biết.

ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường  

Cụ thể hóa việc nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng

Nhân dân là chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia còn xuất phát từ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), quy định này đã thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, cụ thể là "bảo vệ biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể. Mỗi người dân biên giới phải là cột mốc sống, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân". 

Có cùng quan điểm về vai trò, quan trọng của chủ thể nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia, ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An) chỉ rõ, quy định về việc nhân dân tham gia các hoạt động biên phòng, thực thi nhiệm vụ biên phòng còn hơi mờ nhạt. Trong khi đó, nhân dân tham gia các hoạt động biên phòng lại rất sâu rộng. Đơn cử “phong trào tiếng kẻng đường biển”, nhân dân tham gia quản lý biên giới, quản lý mốc giới, quản lý đất đai, chống xâm lấn, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, tham gia công tác đối ngoại nhân dân tại khu vực hai bên biên giới để thắt chặt tình hữu nghị và giao thương hai nước… Thực tế, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hầu hết các tỉnh qua biên giới, trên đất liền giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia đều đã ký kết các văn bản hợp tác hữu nghị và giao thương. Nhiều địa phương có quan hệ kết nghĩa, xây đắp tình hữu nghị nhân dân khu vực hai biên giới như kết nghĩa tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã, nhân dân hai biên giới cũng qua lại thăm nhau. Đây là mô hình rất hiệu quả thể hiện đường lối đối ngoại nhân dân đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Liên mong muốn, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc nhân dân tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng, để làm căn cứ pháp lý thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động biên phòng trong thời gian tới.

Ý Nhi