Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Khái niệm công nghệ không còn phù hợp

- Chủ Nhật, 19/02/2017, 07:48 - Chia sẻ
Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức. Nền kinh tế của các quốc gia phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có phần đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định của khoa học và công nghệ, trong bối cảnh đó khái niệm công nghệ trong Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) không còn phù hợp.

Dự thảo mới dự kiến thay thế Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) đã cơ bản hoàn thành và được đăng tải trên website của QH để lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, công nghệ là một trong những thuật ngữ được Dự thảo đề cập trong nội dung “Giải thích từ ngữ”. Tại Điều 3.2, Dự thảo quy định: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Trong đó, khái niệm “Bí quyết kỹ thuật” được Dự thảo diễn giải: “Bí quyết kỹ thuật là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của chủ sở hữu công nghệ có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ” (Điều 3.1, Dự thảo).

Khái niệm công nghệ, bí quyết kỹ thuật, cũng như nhiều khái niệm khác của Dự thảo, hoàn toàn tương đồng với một số khái niệm khác đã đề cập trong Luật CGCN 2006, cũng như Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) 2013. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nền khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, chúng ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, nền kinh tế của các quốc gia phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có phần đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định của KH và CN, thì khái niệm trên không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi.

Không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật

Công nghệ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kỹ thuật, mà còn bao hàm trong lĩnh vực dịch vụ (có thể gắn với kỹ thuật hoặc không). Giải pháp trong lĩnh vực dịch vụ cũng biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (sản phẩm dịch vụ). Ví dụ, công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, trong đó có những cách thức, biện pháp huy động vốn, sử dụng vốn, nâng cao số lượng vòng quay của vốn một cách hiệu quả. Xét trên phương diện tổng thể, công nghệ cũng không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kỹ thuật, hay lĩnh vực dịch vụ. Ngày nay, công nghệ có thể xuất hiện trong mọi lĩnh vực kể cả quân sự, an ninh quốc phòng đến hoạt động vui chơi, giải trí…

Do vậy, nên chăng chúng ta nên dùng thuật ngữ “Bí quyết” nói chung thay thế cho thuật ngữ “Bí quyết kỹ thuật”. Việc sử dụng thuật ngữ “Bí quyết” sẽ bao quát hơn, phù hợp hơn với xu thế thời đại. Đặc biệt nó sẽ bao hàm cả công nghệ trong các ngành dịch vụ đang đóng góp 60% - 70% GDP của thế giới.


Khái niệm Công nghệ trong Dự Luật không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi  - Ảnh:  Bách Nguyễn

Chồng chéo trong nội hàm khái niệm

Thực tế, khái niệm công nghệ được định nghĩa trong Dự thảo cũng như Luật CGCN, Luật KH và CN hiện nay, làm khá nhiều người cả trong lẫn ngoài ngành KH và CN vẫn còn mơ hồ về công nghệ. Do chưa hiểu rõ về công nghệ, không được trang bị kiến thức bài bản, nên phần lớn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công nghệ ở nước ta khá lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Từ đó, hiệu quả, hiệu lực của công tác này chưa cao và trở thành một vấn đề khá nan giải đòi hỏi phải giải quyết căn bản từ gốc đến ngọn, từ lý luận đến thực tiễn. Kiến thức kỹ thuật chỉ là một điều kiện cần để quản lý công nghệ, nhưng chưa đủ. Bên cạnh các kiến thức kỹ thuật, còn đòi hỏi nhiều kiến thức về thương mại, pháp lý và chuyên ngành khác liên quan.

Khi đề cập đến giải pháp, tức là cách thức hay phương tiện giải quyết một vấn đề. Giải pháp giải quyết có thể bằng “sản phẩm” (tức là bằng công cụ hay phương tiện vật chất cụ thể), hoặc có thể bằng “quy trình” (trình tự sắp xếp, tổ chức công việc). Dưới góc độ toán học, thì “sản phẩm”, “quy trình” là hai tập hợp con của tập hợp “giải pháp”. Có nghĩa là, “giải pháp” bao hàm cả “sản phẩm” và “quy trình”. Cách thức diễn giải của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 2.3.2012 (Nghị định 13) và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 1.8.2013 (Thông tư 18), khi đề cập đến sáng kiến, một loại hình công nghệ cũng đã tiếp cận theo hướng đề cập trên.

Theo Nghị định 13, Thông tư 18, giải pháp sáng kiến bao gồm: Giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (Điều 3.1, Nghị định 13). Trong đó, giải pháp kỹ thuật là: “cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm: a) Sản phẩm, dưới các dạng: Vật thể (ví dụ: Dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: Vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: Chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gene, thực vật, động vật biến đổi gene); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi; b) Quy trình (ví dụ: Quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật...) (Điều 3.1, Thông tư 18).

Trở lại với khái niệm “công nghệ” của Dự thảo, chúng ta thấy rằng rõ ràng chưa phù hợp. Nó vừa thừa, vừa thiếu, bởi lẽ khi đề cập “giải pháp” thì không nên liệt kê “quy trình” một cách độc lập, song song, vì “quy trình” là tập hợp con của “giải pháp”. Nếu muốn đề cập rõ nghĩa hơn, thì nên loại hẳn thuật ngữ “giải pháp”, bổ sung thuật ngữ “sản phẩm” vào nội dung diễn giải khái niệm “công nghệ” hoặc sử dụng phương án thay thế khác:

Phương án 1:Công nghệ là giải pháp, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Nếu sử dụng phương án này, cần bổ sung các khái niệm liên quan đến giải pháp, gồm (1) các loại giải pháp (giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật); (2) Nội hàm của giải pháp (giải pháp bao gồm sản phẩm hoặc quy trình) như đã phân tích, đề cập ở trên.

Phương án 2: “Công nghệ là sản phẩm, quy trình, bí quyết hoặc các giải pháp khác có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

Phương án 3: “Công nghệ là vật thể, chất thể, vật liệu sinh học, giống cây trồng, giống vật nuôi, quy trình, bí quyết, hoặc các giải pháp khác có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

Giải pháp khác đề cập tại phương án  2, 3 trên đây có thể là các giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chương trình máy tính, các thông số kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật...

Phương án 3 là lựa chọn của tác giả bài viết. Bởi so với các phương án khác, khái niệm công nghệ của phương án 3 khá rõ ràng cụ thể, giúp người đọc có thể hình dung ngay ra công nghệ là gì, bao gồm các đối tượng nào.

TS. Nguyễn Vân Anh - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu