Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cần xây dựng chế định Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp. Phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là quyền lực tối cao của nhân dân

- Chủ Nhật, 03/03/2013, 09:03 - Bản đầy đủ
Để làm rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung ba thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời để thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân, dự thảo đã bổ sung nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Thiết chế Hội đồng Hiến pháp được quy định tại Điều 120, đây là nội dung hoàn toàn mới, nhằm xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân. Quy định như vậy, có điểm mới là thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, khác với quy định trước đây ở Hiến pháp 1992 và các văn bản pháp luật, đó là việc bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh né, làm cho hoạt động bảo vệ Hiến pháp đạt kết quả thấp. Như vậy, xét về văn bản pháp luật, có thể thấy đã có những quy định khá đầy đủ và chi tiết về một thiết chế tạm gọi là “cơ chế bảo hiến” ở nước ta. Song, nếu nghiên cứu, phân tích kỹ về lý luận và thực tiễn thì “cơ chế bảo hiến” này còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết nên chưa đem lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp như dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn còn nặng tính hình thức, vì chỉ có quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do QH, Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành và kiến nghị QH xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Nước phê chuẩn. Hội đồng Hiến pháp không có quyền giám sát, phán quyết khi phát hiện vi phạm Hiến pháp, và cũng không có cơ chế ràng buộc, chế tài khi các cơ quan trên không thực hiện kiến nghị, yêu cầu, đề nghị của Hội đồng Hiến pháp khi vi hiến, vì Hội đồng Hiến pháp không có quyền phán quyết độc lập.

Vì vậy, đề nghị sửa lại Điều 120, thay chế định Hội đồng Hiến pháp bằng chế định Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp có những quyền hạn như sau: Giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật khác; giải thích Hiến pháp; giải quyết khiếu nại đối với văn bản, hành vi vi phạm Hiến pháp của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với nhau; giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với các cơ quan địa phương. Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; xem xét các vấn đề liên quan đến việc miễn nhiệm nghị sỹ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; tham gia luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước... Tòa án Hiến pháp độc lập và có quyền phán quyết khi phát hiện vi phạm Hiến pháp chứ không chỉ kiến nghị, yêu cầu, đề nghị như quy định quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp ở dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Dưới chế độ dân chủ cộng hòa, quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của nhân dân, vì trong Nhà nước pháp quyền tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Tại khoản 4, Điều 124 quy định: việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định. Đây là điểm mới và tiến bộ hơn so với Hiến pháp năm 1992, tuy nhiên quy định như vậy là chưa thể hiện được nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp mà chỉ là dân chủ đại diện thông qua QH. Đặc biệt, một trong những quan điểm cơ bản sửa đổi Hiến pháp 1992 là kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền được các bản Hiến pháp nước ta thừa nhận đó là: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong các quyền đó quyền lực cơ bản nhất là xây dựng Hiến pháp, nghĩa là quyền lập hiến là quyền của toàn dân. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp, thông qua Hiến pháp nhân dân trao quyền lập pháp cho QH, quyền hành pháp cho Chủ tịch Nước và Chính phủ, quyền tư pháp cho Tòa án; đồng thời quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bản Hiến pháp năm 1946 của nước ta được đánh giá cao về sự tiến bộ ở nội dung và kỹ thuật lập pháp, nhất là ghi nhận nhiều quyền cơ bản của con người đặc biệt là các quyền dân chủ. Điều 21 Hiến pháp 1946 quy định: nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70. Điều 32 quy định: những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viện đồng ý, Điều 70 quy định: sửa đổi Hiến pháp theo cách thức sau đây:... Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Nhưng đáng tiếc, quy định này chưa được thực hiện trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã xảy ra. Song dù sao bản Hiến pháp 1946 cũng đã xác định hai quyền dân chủ trực tiếp cơ bản nhất của nhân dân là bầu ra QH cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, để QH thay mặt nhân dân bầu ra các cơ quan nhà nước khác và phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của dân cho các cơ quan nhà nước thực thi.

Vì vậy, đề nghị sửa lại Điều 30 như sau: nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia; và sửa lại khoản 4, Điều 124 như sau: Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Sau khi được Quốc hội thông qua phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Hoàng Đức Cường
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP