Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo

- Thứ Hai, 11/07/2022, 04:53 - Chia sẻ

Cuối năm 2021, trước một số vấn đề phát sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 có nhiều bổ sung, sửa đổi so với Nghị định 64/2008, góp phần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động từ thiện nhân đạo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Nhưng, với sự thay đổi của hoạt động từ thiện ở nước ta hiện nay và xu hướng trên thế giới, tại Hội thảo vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các chuyên gia cho rằng, phải có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo.

Nhiều thay đổi về hình thức, phương pháp và cách tiếp cận

Tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, qua phân tích thực tế công tác từ thiện nhân đạo ở nước ta, TS. Phạm Thị Tính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, với sự phát triển của xã hội, từ thiện ngày nay đã được mở rộng theo hướng “từ thiện phát triển”, nghĩa là hoạt động từ thiện trở thành việc làm thường xuyên hướng đến lâu dài, bền vững, giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp để thoát nghèo. Từ thiện theo kiểu “cho cần câu hơn là cho xâu cá” chứ không chỉ “từ thiện” khi xảy ra thiên tai hay “sự cố”. Dù vậy, trong những tình thế cấp thiết thì hình thức từ thiện tự phát để giải quyết vấn đề “tức thời” cho người hoạn nạn vẫn rất được coi trọng và đông đảo người tham gia.

TS. Phạm Thị Tính cũng nhận thấy, hoạt động từ thiện ngày càng có nhiều thay đổi cả về hình thức cũng như phương pháp và cách tiếp cận. Việc gắn trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp cũng là việc làm mang tính nhân văn, nhân đạo. Việc những người giàu/nhà hảo tâm đứng ra thành lập các quỹ cộng đồng, dùng uy tín để quyên góp - thành lập các hội/nhóm từ thiện, các phong trào từ thiện ra đời ngày càng nhiều. Cùng với sự phát triển về kinh tế, chính trị, nhận thức về hoạt động từ thiện ngày càng thay đổi, không chỉ các tổ chức, đoàn thể của Nhà nước được giao nhiệm vụ làm công tác nhân đạo mới đứng ra kêu gọi từ thiện mà cả các cá nhân (ca sĩ, diễn viên, người mẫu…), các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo cũng tham gia.

Hình thức kêu gọi từ thiện cũng đa dạng, từ trực tiếp đến online, hoặc qua các game show, đêm nhạc trên truyền hình, các buổi bán đấu giá kỷ vật truyền hình trực tiếp… Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các ATM gạo, bữa ăn miễn phí, các manh chiếu, tấm chăn, áo mưa, áo rét, tiền, thực phẩm… đã hỗ trợ người khó khăn, yếu thế trong xã hội, có vai trò quan trọng trong thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh nước ta vừa qua.

Có thể khẳng định hoạt động từ thiện đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng cường tính tương thân, tương ái trong xã hội khi nguồn lực của Nhà nước còn eo hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu chung của tất cả các đối tượng. Nhấn mạnh điều này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho rằng, vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, cần thiết nên nảy sinh hiện tượng có địa phương, cá nhân được giúp nhiều, nhưng có địa phương, cá nhân lại không được trợ giúp, gây lãng phí nguồn lực, thậm chí có sự so bì giữa các địa phương. Nghiêm trọng hơn, còn xảy ra hiện tượng bị chiếm đoạt, ăn bớt, có nơi còn mang nặng tính hình thức, phô trương, lòng tin của nhà hảo tâm bị lợi dụng, hoạt động từ thiện bị bóp méo, không đúng với ý nghĩa, mục đích của hoạt động này, gây mất lòng tin của xã hội.

Có cần nâng thành luật không?

Sau những thông tin tiêu cực về hoạt động từ thiện của người nổi tiếng lan rộng, tháng 10.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 thay thế cho Nghị định 64/2008 với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của chủ thể là cá nhân. Tại Nghị định này đã quy định rõ hơn phạm vi vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng, UBND tỉnh, huyện và cá nhân có năng lực thực hiện. Đồng thời, quy định cụ thể hơn quy trình thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo của các chủ thể tham gia, với một số yêu cầu chặt chẽ hơn với họ.

Dù Nghị định 93/2021 của Chính phủ đã có nhiều quy định bổ sung, điều chỉnh so với Nghị định 64/2008. Tuy nhiên, qua khái quát và so sánh một số điểm trong quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Việt Nam về điều kiện để các chủ thể được làm từ thiện nhân đạo, TS. Dương Thị Hà (Học viện Hành chính quốc gia) nhận thấy, có một số điểm khác biệt cơ bản, rõ nét giữa luật pháp của nước ta và hai quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển các hoạt động từ thiện nhân đạo.

Sự khác biệt đầu tiên là dù chưa có luật điều chỉnh riêng với hoạt động từ thiện nhân đạo, nhưng tại Hoa Kỳ có luật điều chỉnh với các tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các tổ chức từ thiện, với quan điểm các tổ chức từ thiện thực hiện không vì lợi nhuận. Các chủ thể tham gia từ thiện, nhân đạo tại Anh và Hoa Kỳ đều duy trì hoạt động lâu dài, thay vì là các hoạt động ngắn hạn, chủ yếu đáp ứng nhu cầu cứu trợ khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra như ở nước ta. Mức độ tin cậy của các chủ thể tham gia từ thiện nhân đạo tại Hoa Kỳ và Anh cũng được đánh giá cao hơn do có sự xác nhận của cơ quan thuế như một điều kiện bắt buộc để các tổ chức này tồn tại. “Sự khác biệt trên là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động từ thiện nhân đạo ở nước ta hiện nay”, TS. Dương Thị Hà nói.

Có thể thấy, hoạt động từ thiện được coi là hiệu quả khi sự giúp đỡ được đưa đến đúng người đang gặp khó khăn một cách kịp thời, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, phải có luật hay pháp lệnh điều chỉnh, thay vì điều chỉnh ở nghị định như hiện nay. Qua đó, thực hiện quản lý và bảo vệ hoạt động này bằng các thiết chế chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia.

Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, pháp luật về từ thiện nhân đạo là một lĩnh vực khá mới, cần sự rà soát và điều chỉnh thường xuyên ở nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng đối với Việt Nam. Trên thực tế, ngay tại các quốc gia có hoạt động từ thiện nhân đạo phát triển thì hàng năm vẫn có một số tổ chức bị tước trạng thái miễn thuế, người điều hành quỹ bị truy tố hình sự… chứng tỏ pháp luật còn có lỗ hổng, cần tiếp tục được hoàn thiện.

Do vậy, phải cân nhắc giữa việc nâng lên thành luật hay tiếp tục hoàn thiện quy định hiện hành, chú ý bổ sung quy định để bảo đảm nguồn tiền, vật chất các chủ thể thực hiện từ thiện tiếp nhận bắt buộc phải được sử dụng công khai, minh bạch ngay từ đầu và có thể kiểm soát được. Đây là vấn đề có lẽ cần được làm rõ tại Đề án nghiên cứu khoa học cấp bộ của Viện Nghiên cứu lập pháp, với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”.

Lê Bình