Bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử

- Thứ Ba, 12/05/2020, 10:43 - Bản đầy đủ
Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường. Trong giai đoạn tới, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định NGUYỄN ANH SƠN cho rằng, việc niêm yết, sắp xếp các bảng danh sách ứng cử viên của mỗi đơn vị bầu cử phải bảo đảm tính công bằng tương đối. Không được ưu ái ứng cử viên này mà quên ứng cử viên khác, khiến họ không còn cơ hội trong vận động bầu cử cũng như quá trình bầu cử.

Các ứng cử viên có cơ hội như nhau

- Nam Định đã hoàn thành Hiệp thương lần thứ ba theo đúng tiến độ và hướng dẫn của Trung ương. Ông đánh giá như thế nào kết quả hiệp thương chốt danh sách ứng cử viên ĐBQH lần này?


Để giành phiếu bầu cử cử tri, mỗi ứng cử viên phải thực sự thiết tha, tâm huyết với công tác dân cử. Tiến hành vận động bầu cử với tâm thế của một người thực sự muốn đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Các ứng cử viên cần tiên quyết loại bỏ tư tưởng làm đại biểu dân cử để tranh thủ thu lợi về kinh tế, chính trị, nghề nghiệp... Cử tri rất tinh tường. Do vậy, ứng cử viên cần có động cơ trong sáng, ứng cử ĐBQH không phải để làm quan chức, mà để cống hiến nhiều hơn cho đất nước, nhân dân. Tôi tin, nếu thể hiện được ý thức trách nhiệm và động cơ tốt đẹp như vậy khi vận động bầu cử thì ứng cử viên sẽ giành được phiếu bầu của cử tri.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn

- Trong lần Hiệp thương thứ ba tại Nam Định, những chỉ tiêu về nữ giới, người dân tộc, thanh niên, ngoài Đảng… đều được vận dụng linh hoạt, không cứng nhắc. Ví dụ, ứng cử viên đại diện cho lực lượng thanh niên thường được hiểu là cán bộ Đoàn, chí ít cũng phải Phó Bí thư Tỉnh Đoàn trở lên. Do đó, trong các nhiệm kỳ QH trước, thường gặp các ĐBQH là lãnh đạo tỉnh đoàn, không dễ gặp ĐBQH là đoàn viên bình thường. Nam Định lựa chọn ứng cử viên thuộc cơ cấu thanh niên không theo hướng này, mà chú ý chọn đoàn viên có thành tích, trình độ, khả năng nhận thức, cũng như có điều kiện tham gia công tác dân cử. Ngoài ra, trong hướng dẫn lựa chọn ứng cử viên có lưu ý nên kết hợp cơ cấu văn hóa, giáo dục, y tế, chứ không lựa chọn ứng cử viên công tác riêng trong ngành giáo dục. Căn cứ thực tế, từ Khóa X đến nay, Nam Định không có đại biểu công tác trong ngành giáo dục, nên MTTQ và Ủy ban Bầu cử tỉnh đã quyết tâm đưa vào danh sách ứng cử viên một số ứng cử viên công tác trong ngành, tăng cơ hội trúng cử ĐBQH cho những đại diện của ngành giáo dục.  

- Theo ông, trong thời gian tới, cần chú ý những yếu tố nào để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch, đúng luật trong bầu cử ĐBQH?   

- Những yêu cầu nêu trên không dễ thực hiện, vì các ứng cử viên ĐBQH không giống nhau về năng lực, trình độ, địa vị, vị trí công tác. Khó có thể so sánh giữa lãnh đạo bộ, ngành được giới thiệu về ứng cử tại địa phương với các ứng cử viên công tác tại các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Nếu so sánh giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố với người được giới thiệu theo cơ cấu cũng dễ thấy ngay sự chênh lệch. Việc sắp xếp các bảng danh sách ứng cử viên của mỗi đơn vị bầu cử tròn trịa như nhau là rất khó, nên trong công tác này phải chú ý bảo đảm tính công bằng tương đối. Không được ưu ái cho ứng cử viên này mà quên ứng cử viên khác, khiến họ không có nhiều cơ hội trong vận động bầu cử, cũng như tiến hành bầu cử.

Theo quan sát của tôi, trong những cuộc bầu cử gần đây, các ứng cử viên đều được tạo cơ hội thực hiện vận động bầu cử bình đẳng như nhau trong gặp gỡ cử tri, trình bày chương trình hành động, hoặc thời gian xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các cuộc bầu cử vừa qua cũng không thấy có chuyện ứng cử viên này được gặp gỡ cử tri nhiều hơn, xuất hiện trên báo chí dày đặc hơn ứng cử viên khác. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm thời lượng, số lượng chữ thể hiện trong chương trình hành động giữa các ứng cử viên phải như nhau trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Những văn bản hướng dẫn chuẩn bị, tổ chức bầu cử đã có quy định chi tiết, bảo đảm không xảy ra sai sót trong quá trình triển khai thực hiện. Với hai yếu tố này, có thể khẳng định chắc chắn rằng các ứng cử viên được tạo điều kiện để xuất hiện như nhau trong quá trình vận động bầu cử sắp tới.


Cử tri trẻ tuổi tham gia bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Vận động bằng tiền bạc nên được coi là “điểm trừ”

- Trong những cuộc bầu cử trước đây đã có hiện tượng sử dụng vật chất, tiền bạc để vận động bầu cử, thu hút phiếu bầu của cử tri. Với quy định và hướng dẫn hiện hành, hiện tượng này sẽ được ngăn chặn hiệu quả, thưa ông?

- Thực tế cho thấy có những hiện tượng như vậy. Mặc dù không công bố đây là những hoạt động nhằm vận động bầu cử, nhưng lại tiến hành tặng quà tình nghĩa, xây dựng công trình công ích… đúng thời điểm trước khi diễn ra bầu cử. Qua đó gián tiếp giúp đánh bóng tên tuổi, tạo sự chú ý, thiện cảm với cử tri nơi ứng cử. Ứng cử viên được giới thiệu ở cơ sở sao có thể bình đẳng trước ứng cử viên có tiềm lực tài chính như vậy?

Để ngăn chặn hiện tượng này, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã quy định rõ, trước thời điểm diễn ra bầu cử, không được tiến hành các hoạt động gây sai lệch kết quả bầu cử. Vấn đề là cần tập trung tuyên truyền, phổ biến để các ứng cử viên và cử tri đều nắm rõ, có thái độ ứng xử phù hợp với những trường hợp tự nhiên tặng quà, giúp xây cầu, bệnh viện, trường học… trước bầu cử. Công tác tuyên truyền cũng nhằm để ứng cử viên nhận thức rõ về việc không nên sử dụng tiền bạc, vật chất để đánh bóng tên tuổi. Thậm chí, nên coi đây là điểm trừ trong đánh giá tư cách, phẩm chất đạo đức với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND. 

- Các ứng cử viên được yêu cầu xuất hiện bình đẳng như nhau trên báo in, báo mạng, đài phát thanh, đài truyền hình, nhưng chưa có sự ràng buộc về việc xuất hiện trên mạng xã hội. Như vậy, người biết khai thác mạng xã hội sẽ có lợi thế hơn?

- Quy định pháp luật chưa điều chỉnh việc sử dụng mạng xã hội trong vận động bầu cử, chỉ giới hạn sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng chính thức. Thực tế, trước Hiệp thương lần thứ ba, nhiều người ứng cử ĐBQH đã tạo được vị thế nhất định trên mạng xã hội, nhận được sự đồng tình cao, tạo sự chú ý của cử tri, nhân dân. Các ứng cử viên ĐBQH chính thức được lựa chọn sau Hiệp thương lần thứ ba có lẽ cũng nên quan tâm sử dụng mạng xã hội trong vận động bầu cử. Nhưng cử tri rất tỉnh táo và thông minh, nên chỉ có trí tuệ và sự chân thành mới thuyết phục được họ. Hãy sử dụng mạng xã hội ở mức độ hợp lý, vì không khéo có thể sẽ tạo ra phản ứng ngược với cử tri và người dân. 

- Xin cảm ơn ông!

Phương Thủy thực hiện

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP