Trong bài Những bạn văn trẻ, đăng báo Văn nghệ cuối năm 1950, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành một phần nội dung để nói về Lê Nguyên, một trong những người viết trẻ đã lọt vào mắt xanh của ông khi ấy. Xin được lược trích: “Lê Nguyên vượt những con đường xuyên sơn, nhiều rắn độc đến với lớp văn. (…) Do một sự hiểu lầm, Nguyên đến với lớp tưởng để học vẽ và âm nhạc, là hai món sở trường. Nhưng Nguyên đã say sưa với lớp văn. Nguyên Hồng lôi cuốn quá”.
Hẳn Nguyễn Huy Tưởng có lí do chọn Lê Nguyên, tác giả ký sự Những ngày biên giới để mở đầu bài viết của mình. Thực tế, tại Hội nghị Tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc những ngày hạ tuần tháng 9.1949, diễn giả Xuân Diệu đã đem bài ký sự ấy ra thuyết trình và nhận được hàng tràng vỗ tay tán thưởng. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi xin không nói riêng về Lê Nguyên hay những người viết trẻ khác mà nhà văn đàn anh Nguyễn Huy Tưởng đã dành cho những lời động viên chí thiết trong bài viết của mình. Mà chính lớp văn được ông nhắc đến trong đoạn trích nói trên mới là điều chúng tôi muốn đề cập ở bài viết này. Trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn, gian khổ, đó có thể là lớp học gì mà dạy cả nhạc, họa? Được mở cho những ai mà một học viên như Lê Nguyên phải vượt “những con đường xuyên sơn, nhiều rắn độc” tới nhập học?…
Thời gian đã quá lâu để có thể trả lời những câu hỏi ấy. Nhưng chính sự thách đố càng thôi thúc một kẻ hậu bối là tôi không thôi tìm hiểu. Tìm đọc nhật ký của cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi được biết trong những năm chống Pháp, đã có một số lớp dạy chuyên môn, nghiệp vụ cho những đối tượng khác nhau mà ông tham gia giảng dạy. Chỉ riêng ngày 24.4.1949, nhật ký của ông đã cho thấy những hoạt động sau: “Giảng kịch ở lớp báo chí. Giảng ở lớp Lục quân Trung học. Nói chuyện về cách viết nhật ký ở 308”. Trong đó, “lớp báo chí” mà tác giả đến giảng về kịch chính là khóa đào tạo có tên chính thức là “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, được mở tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên mà gần đây mới được “tái phát hiện”. Còn đơn vị ông đến nói chuyện về cách viết nhật ký - “308” - chính là Trung đoàn 308, nòng cốt của Đại đoàn Quân tiên phong nổi tiếng sau này.
Tiếp đến, trong các ngày từ 20 - 22.8 năm ấy, cũng vẫn nhật ký của ông cho hay ông đến với lớp văn cho bộ đội, nhưng là để giảng kịch và nói chuyện về mấy nhà văn Trung Quốc, Nga, Pháp… Không hề có chi tiết nào về một lớp có dạy cả vẽ, nhạc như Lê Nguyên đã dự và chắc ông có tham gia giảng dạy. (Hồi ấy những việc thế này vẫn thường đến tay các ông cả!)
“Từ khóa” - những cái tên sáng giá
Bất ngờ một ngày, tôi tìm được một tư liệu có liên quan. Giữa những tập bản thảo, giấy tờ cha tôi để lại, có một tập giấy mỏng trong đó có bốn trang ghi các nội dung của một sự kiện có nhan đề: LỚP VĂN CHO BỘ ĐỘI.
Thoạt đầu, tôi không quan tâm lắm đến mấy trang tư liệu ấy, xin được thật lòng. Tất cả chỉ là những gạch đầu dòng, kê vắn tắt đầu việc, tên người, con số, phép tính, kết quả… Văn bản không chỉ khô khan mà còn rất khó đọc, khó theo dõi, vì các chữ, số bị gạch, bị chữa đè lên nhau chi chít. Song kinh nghiệm, hay linh cảm không biết nữa, đã dẫn tôi tìm đến chỗ cần tìm. Giữa những hàng chữ gạch xóa thêm bớt ấy, có một đầu mục với những “từ khóa” vẫn ám ảnh tôi: “Đại quan về các ngành nghệ thuật khác”. Trong đó, ở phần về nhạc có ghi Khoát, ở phần về họa - tên Tô Vân.
Không nghi ngờ gì nữa, Khoát chỉ có thể là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Tô Vân là họa sĩ Tô Ngọc Vân, những bậc trưởng lão của hai chuyên ngành văn nghệ ấy. Vậy là đã rõ! Tập văn bản đó chính là về một lớp học gồm nhiều chuyên ngành văn học, nghệ thuật, mà khi lên chương trình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chỉ đơn giản gọi chung là “Lớp văn cho bộ đội”. Ở đó, ngoài nhạc, họa đương nhiên còn có các ngành khác như văn, thơ, kịch… do các “thày” Nguyên Hồng, Nam Cao, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng… đảm trách.
Kết nối các mảnh ghép từ những gì có được, sự liên tưởng đưa tôi đến những giờ lên lớp của một khóa học cho bộ đội trong kháng chiến. Đây là giờ nhạc, anh bộ đội Lê Nguyên chăm chú lắng nghe thày Khoát giảng như lên đồng về những cái hay của âm nhạc dân tộc. Chuyển qua lớp họa, vẫn Lê Nguyên nghe không bỏ sót từng lời giảng đẫm chất trí tuệ của thày Tô Vân. Rồi đến giờ văn, học viên trẻ tuổi đầy ham mê ấy làm sao có thể không đến với bài giảng của nhà văn Nguyên Hồng, tác giả Những ngày thơ ấu. Anh lắng nghe như nuốt từng lời của diễn giả khi ông hóa thân, đắm mình vào một nhân vật hay trường đoạn tiểu thuyết mà mình tâm đắc. Anh lặng người như muốn khóc theo khi ông nghẹn ngào kể về cuộc đời viết văn của mình qua biết bao thăng trầm, để rồi bốc lên, những muốn truyền đạt cho anh em bằng hết sở đắc của nghề văn mình có được. Và cái gì đến cũng đến. Anh bộ đội - học viên Lê Nguyên, bị giằng xé giữa những họa, những nhạc và văn, cuối cùng đã xin sang theo hẳn lớp văn của thày Nguyên Hồng…
Đỡ đầu không có nghĩa làm thay
Đến đây xin được nói rộng ra về mối quan hệ gắn bó giữa văn nghệ sĩ và bộ đội trong kháng chiến chống Pháp mà lớp học nói trên là một minh chứng. Chúng ta biết rằng không lâu sau khi được thành lập ở Việt Bắc (7.1948), Hội Văn nghệ Việt Nam đã kết nghĩa với Trung đoàn Thủ đô, mà cụ thể là nhận Tiểu đoàn Bình Ca làm em nuôi. Thực tế, đây chính là một đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ đô có mối quan hệ thân thiết nhất với các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân… Tiếp đến, khi tiểu đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập, Hội cũng lại nhận đỡ đầu. Hồi ký của nhà văn Siêu Hải, một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của binh chủng này, đã kể nhiều kỷ niệm của các văn nghệ sĩ khi đến với đơn vị mình, từ Văn Cao với trường ca Sông Lô đến Hoài Thanh với những ghi chép đi với pháo binh…
Với ý thức phục vụ thiết thực chiến sĩ, một mặt, các văn nghệ sĩ hướng sáng tác của mình vào việc phản ánh đời sống tinh thần, tình cảm của cán bộ, đội viên, cung cấp cho họ những món ăn tinh thần để vượt qua khó khăn, gian khổ. Mặt khác, các ông tìm cách trang bị cho họ những kiến thức chuyên môn để có thể tự sáng tác, trực tiếp tạo ra những sản phẩm văn nghệ phục vụ chính mình. Các “lớp báo chí”, “lớp văn cho bộ đội”… như trên đã nói, chính là để thực hiện chủ trương ấy. Ở đó, học viên là những “mầm non văn nghệ” - những cán bộ, chiến sĩ xuất thân từ phong trào văn nghệ nhân dân, còn giảng viên chỉ là những người đi trước đến với anh em. Không quá nệ vào hình thức và lớp lang bài giảng, họ chỉ mong sao truyền đạt được nhiều nhất kinh nghiệm, kiến thức mình có cho lớp người đi sau…
Chúng tôi dám đưa ra lời nhận xét trên mà không sợ mang tiếng võ đoán chính là nhờ những trang ghi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về “Lớp văn cho bộ đội” như trên đã nói. Tất cả đều cụ thể, không có đến cả lời mào đầu, chỉ đơn giản nêu đầu việc và thời gian để thực hiện, cũng như ai sẽ là người đảm đương. Tóm lại, đó là một khóa học dự kiến kéo dài năm tuần, từ 16.6 - 21.7.1949. Trừ các ngày khai mạc, bế mạc và 5 chủ nhật, còn lại 29 ngày. Mỗi ngày học 5 tiếng, vị chi cả khóa sẽ là 145 giờ. Trong đó chia thành các giờ giảng, giờ nói chuyện, giờ chữa bài và giờ thực tập. Ta có thể thấy, chẳng hạn, phần nói chuyện về “Các tác giả và tác phẩm” được dành cho 10 giờ. Bao gồm các chuyên đề như Kiều, do Hoài Thanh thuyết trình, Đỗ Phủ, do Nguyễn Huy Tưởng, Tchékov - Nam Cao, Gorki - Nguyễn Đình Thi, Ca dao - Xuân Diệu, Lỗ Tấn - Lý Ban, Chute de Paris (Paris sụp đổ, tiểu thuyết của I. Ehrenburg) - Nguyễn Tuân…
Một sự hội tụ đầy ý nghĩa của văn hóa thế giới và Việt Nam, với những tên tuổi lớn của nền văn học nước nhà! Và tất cả đều đến từ một lớp học dành cho bộ đội, được mở ra trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chống Pháp.