Nhiều hệ lụy...
- Hiện nay nhu cầu người hưởng (rút) chế độ BHXH một lần rất lớn, theo bà thì nguyên nhân vì sao?
- Việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là quyền lợi hoàn toàn chính đáng của người lao động (NLĐ). Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội thì NLĐ có quyền được rút bảo hiểm khi họ gặp khó khăn.
Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 hoành hành khiến đời sống NLĐ vô cùng khó khăn, rất nhiều người lao động buộc phải ra khỏi thị trường lao động, đến năm 2022, thị trường lao động vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn. NLĐ vẫn gặp nhiều khó khăn nên không ít người đã rút BHXH một lần để coi đấy như một phần thu nhập và họ phải dựa vào phần tiền đó để duy trì cuộc sống. Nhiều NLĐ cũng chia sẻ, dù đã xoay rất nhiều nhưng họ không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, cũng còn những lý do khác như, nhiều NLĐ chưa hiểu hết được vị trí, vai trò của việc đóng BHXH đối với cuộc sống của họ. Dù trong giai đoạn ngắn hạn (tức là khi họ gặp những biến cố, hay nghỉ chế độ thai sản hoặc là tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) hay những biến cố dài hơi hơn, chẳng hạn như khi họ về già, không còn khả năng lao động, nếu rút BHXH một lần nghĩa là không có lương hưu và không có thu nhập.
Theo quy định hiện hành, nếu NLĐ đủ điều kiện để hưởng chính sách hưu trí thì họ được hưởng cả các tiêu chí về bảo hiểm y tế. Đấy là một yếu tố rất quan trọng cho NLĐ khi về già. Chúng ta biết là khi NLĐ rút BHXH một lần thì sẽ có một khoản tiền đồng nghĩa với việc bỏ luôn quyền lợi số năm đã tham gia đóng BHXH, không đủ điều kiện để hưởng lương hưu, khi về già. Điều này khiến NLĐ rất thiệt thòi.
Đặc biệt, một lý do cần lưu ý là niềm tin của NLĐ vào hệ thống BHXH đang rất thấp. Họ không tin tưởng rằng, số tiền họ đóng vào hệ thống có thể được quản lý tốt. Và họ có thể sử dụng nó như một công cụ để bảo đảm “an ninh thu nhập” khi về già. Nhiều người không có đầy đủ thông tin, nhưng không ít người không có niềm tin về quỹ BHXH. Nguyên nhân một phần dẫn đến tình trạng đó là do chúng ta tuyên truyền chính sách chưa đến.
Còn một lý do nữa thuộc về tính hệ thống là tính hấp dẫn của BHXH chưa cao. Rất nhiều NLĐ tham gia như một sự bắt buộc. Nhiều người sử dụng lao động không muốn tham gia BHXH, vì đó là phần họ phải chi trả thêm ngoài lương. Nếu NLĐ tham gia được BHXH sẽ là một ưu thế, vì ngoài tiền lương họ nhận hàng ngày thì họ còn có một phần nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tế nhiều NLĐ cũng không mấy mặn mà gì với hệ thống BHXH vì họ không có niềm tin, không đủ niềm tin để tham gia hệ thống này. Có nhiều NLĐ mặc dù vẫn có tiền nhưng họ vẫn rút BHXH một lần để tham gia vào những gói bảo hiểm thương mại. Bởi vì, họ có niềm tin hơn vào các hệ thống bảo hiểm thương mại.
- Việc rút BHXH một lần có thể mang lại những lợi ích trước mắt đối với NLĐ, nhưng về lâu dài thì NLĐ sẽ phải gánh chịu những hệ lụy như thế nào, thưa bà?
- Đầu tiên việc rút BHXH một lần sẽ làm cho an ninh về thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi về già. Vai trò của BHXH là bù đắp, là nguồn thu nhập thay thế cho NLĐ trong những biến cố ngắn hạn và những biến cố dài hạn. Rõ ràng, khi rút BHXH thì mất đi quyền lợi đó,…
Về nguyên tắc của BHXH, một phần tiền nhàn rỗi do lao động thế hệ trẻ đóng dùng để trả lương hưu cho những người về hưu. Một phần có thể dùng để đầu tư. Khi hàng loạt người rút khỏi hệ thống BHXH sẽ tạo ra những xáo trộn, bất ổn cho hệ thống BHXH.
Quan trọng hơn, việc NLĐ rút khỏi hệ thống BHXH gây ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, gây khó khăn cho mục tiêu mở rộng độ bao phủ về người tham gia BHXH và các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội sẽ khó đạt được. Việc rút khỏi hệ thống bảo hiểm của NLĐ đang đi ngược lại xu thế của thế giới, của cộng đồng quốc tế,…
-Vậy việc hàng loạt NLĐ rút khỏi hệ thống BHXH có làm gia tănglượng lao động lớn, quá tuổi không, thưa bà?
- Đó cũng là một trong hệ lụy từ việc hàng loạt NLĐ rút BHXH một lần. Thực tế, ở một thị trường lao động như Việt Nam, theo con số thống kê thì 80% những người lao động sau tuổi về hưu (tức là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, cho đến 70 tuổi đa số họ vẫn làm việc bình thường. Một trong những lý do vô cùng quan trọng như chúng ta vừa đề cập, là họ không có nguồn thu nhập nào khác, nên buộc phải lao động.
Tuy nhiên, người lao động quá tuổi vẫn lao động là một dấu hiệu xấu. Bởi vì, hiện nay sức khỏe và tuổi thọ của người dân đã được nâng cao. Theo thống kê, Việt Nam là một trong 10 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới. Trong khi nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp, cho nên nhìn từ góc độ y tế thì việc người lao động lớn tuổi, trên tuổi vẫn tiếp tục tham gia thị trường lao động là một dấu hiệu tốt. Nếu những người quá tuổi vẫn buộc phải lao động vì không đủ an sinh thì đó là dấu hiệu tiêu cực. Nếu chúng ta không có những chính sách phù hợp, sẽ dẫn đến những hệ lụy, tỷ lệ tai nạn lao động gia tăng, tăng các chi phí về sức khỏe và các hệ lụy khác,… Lúc đó, người lao động quá tuổi vẫn tham gia thị trường lao động sẽ là con dao 2 lưỡi.
Giải pháp tháo gỡ
-Vậybà có kiến nghị gìvề giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng hàng loạt NLĐ rút BHXH một lần?
- Tôi cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải sửa đổi, điều chỉnh Luật Bảo hiểm một cách thường xuyên, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn…
Thứ hai, phải tìm ra các giải pháp thay thế. Chẳng hạn một người lao động có một khoản bảo hiểm thất nghiệp, tức là bảo hiểm xã hội. Chúng ta có thể coi bảo hiểm như một khoản chấp, để giúp NLĐ có thể vay một khoản vốn tương tự để duy trì cuộc sống, phát triển kinh tế. Với cách vay này, NLĐ không bị mất việc tham gia liên tục, khi họ phải rút BHXH một lần. Đây cũng được coi như một giải pháp gắn liền với an sinh xã hội và ổn định thị trường lao động.
Thứ ba, hiện hiện doanh nghiệp là đóng 31% số tiền BHXH cho NLĐ, NLĐ chỉ phải đóng 8%, vậy có thể giới hạn phần tiền NLĐ rút bằng phần tiền họ đã đóng (8%), phần còn lại vẫn để NLĐ tham gia tiếp vào BHXH. Giải pháp này cũng góp phần nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Mặt khác, cần tăng cường độ hấp dẫn của chính sách BHXH. Hiện nay, các chính sách của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện vẫn quá chênh lệnh. Chính điều này đã làm mất sự cân bằng và không hấp dẫn được NLĐ.
Giải pháp cuối cùng là tăng cường tính minh bạch, công khai chính sách và tăng cường tuyên truyền về chính sách. Kéo NLĐ quay lại tham gia BHXH bằng các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, hấp dẫn,…
- Trân trọng cảm ơn bà!