Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La của Công ty Cổ phần Cảng Hòn La được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1159/QĐ-KKT ngày 5.9.2022 và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La tại Quyết định số 177/QĐ-KKT ngày 7.2.2024.
Hiện, Công ty Cổ phần Cảng Hòn La đang gấp rút triển khai các bước thực hiện Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La nhằm bảo đảm tiến độ khởi công.
Trong đó, việc thi công thực hiện nạo vét luồng và khu quay trở, khu đậu tàu của Dự án sẽ làm phát sinh vật chất nạo vét. Khối lượng vật chất nạo vét dư thừa trong quá trình thi công khoảng 300.000m3 và khối lượng nạo vét duy tu luồng, khu nước dự án khoảng 100.000m3.
Theo báo cáo của Công ty, vật chất nạo vét tại khu vực dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La gồm các lớp: bùn sét; cát hạt mịn; bùn sét pha xen kẹt các lớp cát mỏng; đá Rhyolite và được đổ trên bãi biển, vị trí dự kiến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với diện tích khoảng 14,27 ha do UBND xã Quảng Đông quản lý.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện đổ vật chất nạo vét trong quá trình thi công và duy tu, phạm vi khu vực phần đất liền với diện tích khoảng 8,41 ha; giai đoạn 2 sẽ thực hiện đổ vật chất nạo vét trong quá trình thi công và duy tu, phạm vi khu vực phần đất mặt nước ven biển với diện tích khoảng 5,86 ha.
Tuy nhiên, phương án đổ vật chất nạo vét đang khiến nhiều hộ dân có hoạt động kinh tế gắn với vùng biển gần bờ lo ngại.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, phương án đổ vật chất nạo vét sử dụng hệ thống sà lan vận chuyển kết hợp với bơm hút phun lên khu vực chứa có bờ bao quanh bằng Geotube. Phương án này cho phép hạn chế ảnh hưởng đến môi trường biển ven bờ cũng như các khu vực xung quanh.
Song, chiều dài bờ biển tại thôn Thọ Sơn chỉ kéo dài khoảng 1,5km, vị trí đổ vật chất nạo vét lại chiếm phần lớn.
Ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1968), trước đây là ngư dân đi khơi nhưng lâu nay quyết định về làm ăn gần bờ, cho biết: “Nếu bãi biển Thọ Sơn trở thành điểm đổ chất nạo vét, sẽ rất bất cập cho các hộ dân chúng tôi”.
Được biết đội kéo lưới gần bờ của ông Nguyễn Văn Phúc có khoảng 10 - 15 người, thu nhập không ổn định nhưng trung bình có thể mang lại nguồn thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/người mỗi ngày, khi thuận lợi trúng luồng cá, ruốc,… thì nhiều hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc phía bên kia Vịnh Hòn La là công trình của một đơn vị khác, nên chỉ còn lại khoảng 1,5km đường biển tại thôn Thọ Sơn để ngư dân thuận lợi mưu sinh.
Đối với hoạt động nông nghiệp, người dân không có nhiều đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu hoạt động kinh tế từ khai thác nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có đi biển xa và đánh bắt, kéo lưới gần bờ. Do đó, bãi biển tại thôn Thọ Sơn đóng vai trò quan trọng đối với các hộ dân.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết, xã cũng đã tham gia bày tỏ ý kiến từ đề xuất của người dân, mong muốn giữ lại bãi biển cho bà con ngư dân.
“Nếu lấy khoảng 2/3 chiều dài bãi biển, có thể sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 hộ dân. Bên cạnh đó, nếu đổ chất nạo vét lên bãi biển sẽ biến đổi hiện trạng cảnh quan. Khi vào mùa mưa, nước mưa có thể đưa lượng chất nạo vét trở về biển, ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế của ngư dân, đặc biệt là bà con dùng phương pháp thủ công khai thác ven bờ”, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết.
Lãnh đạo xã Quảng Đông cho biết thêm khu vực này có hoạt động ngư nghiệp của người dân 3 thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn, Minh Sơn mà chỉ còn 1 khu vực nhỏ trên bờ biển. Do đó, thông qua các cơ quan, xã cũng đã có ý kiến, đề xuất UBND cấp tỉnh xem xét vị trí đổ chất nạo vét phù hợp, để người dân có địa điểm hoạt động chung cũng như ra vào thuyền, đánh bắt ruốc, cá,… vào các mùa thuận lợi trong năm.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đang xem xét chấp thuận vị trí đổ vật chất nạo vét trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, ý kiến thảo luận của các thành phần tham gia đoàn kiểm tra.
Trong thời gian chờ đợi, nhiều người dân địa phương bày tỏ lo lắng nếu phương án đổ vật chất nạo vét được phê duyệt. “Chúng tôi sinh sống nhờ biển, đặc biệt là từ đánh bắt gần bờ. Vậy nên, phương án đổ vật chất nạo vét này có thể gây ra xáo trộn cho việc kiếm kế sinh nhai của gia đình”, ngư dân Nguyễn Văn Như (SN 1960) trú thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông chia sẻ.