Mối đe dọa khủng bố ở khu vực mới đây đã được xem xét kỹ lưỡng khi 23 nước tham dự Diễn đàn Chống khủng bố cấp cao ở Bali, Indonesia. Các đại biểu tham dự đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ thông tin và tài chính xuyên biên giới. Tuy nhiên, Hội nghị cấp cao kéo dài 4 ngày này cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu tiến bộ trong hợp tác xuyên biên giới.
Rào cản chủ quyền
Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng “thờ ơ” này, mà một trong số đó là vấn đề chủ quyền. Chẳng hạn, Malaysia, Indonesia và Philippines đều đồng ý thông qua một hiệp ước hàng hải cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ được xâm nhập vào vùng lãnh hải ở Celebes và Sulu để truy bắt các phần tử khủng bố cũng như cướp biển. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệp ước đó vẫn chỉ nằm trên giấy. Đầu tháng này, một thủy thủ người Indonesia bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines bắt cóc nhưng binh sĩ Indonesia và Malaysia đã không được phép vào vùng biển Philippines, giáp phía Đông Malaysia và Kalimanta của Indonesia để truy đuổi, do không có các quan chức của Philippines tham gia cùng bởi điều này bị Philippines nghiêm cấm theo Hiến pháp. Sự “vênh nhau” giữa chính sách và việc thực thi các thỏa thuận đã gây khó khăn không nhỏ cho quá trình hợp tác. Các nhóm khủng bố như Abu Sayyaf, có nguồn gốc từ khu vực nổi dậy miền Nam Philippines và mới đây đã tuyên bố sẽ trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lợi dụng được tình hình này.
Lực lượng biên phòng Philippines | Nguồn: AFP |
Kiểm soát biên giới còn lỏng lẻo
Tình trạng kiểm soát biên giới lỏng lẻo hay lực lượng tuần tra biên phòng còn mỏng cũng là một vấn đề đáng lo ngại ở Indonesia, một trong những nước có đường bờ biển dài nhất trên thế giới. Lực lượng hải quân không được đầu tư đúng mức, tình trạng thiếu tàu thuyền tuần tra ở vùng biển và những quần đảo có địa hình phức tạp, gồ ghề, nơi đang trở thành địa điểm ẩn náu lý tưởng của các phần tử khủng bố. Những nhóm khủng bố đang ẩn náu ở vùng núi Poso, miền Trung Sulawesi, thường chuyển vũ khí lậu qua các điểm trung chuyển ở miền Nam Philippines. Ngoài ra, một số phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc và từ Thái Lan cũng đang tìm cách sang Indonesia bằng hộ chiếu giả. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc cần thắt chặt kiểm soát an ninh biên giới.
Tại hội nghị ở Bali vừa qua, các quan chức đã xem xét khả năng hợp tác chia sẻ dữ liệu chi tiết sinh trắc học của những phiến quân và những phần tử khủng bố đã bị kết án. Điều này có thể giúp theo dõi những đối tượng đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh, song lại không giúp ích nhiều trong việc phát hiện những phần tử khủng bố chưa được biết đến.
Chính sách thiếu đồng bộ
Tình trạng thiếu hợp tác hiện nay cho thấy thực tế rằng, các quốc gia không có điểm khởi đầu giống nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Một số nước thực hiện cách tiếp cận có hệ thống hơn để chống khủng bố, trong khi một số không có chương trình phối hợp tương tự. Điều này dẫn đến mức độ tổn thương khác nhau giữa các nước trong khu vực. Những nước có ít sự chuẩn bị, sẽ làm tăng rủi ro cho các nước lân cận. Chẳng hạn, Singapore đã nhiều lần kêu gọi công dân của mình thận trọng với cảnh báo rằng, một cuộc tấn công khủng bố ở nước này chỉ còn là vấn đề thời gian. Quốc đảo này từ lâu đã trở thành mục tiêu và Chính phủ Singapore đã phải tăng cường các biện pháp an ninh, song những nỗ lực này lại không được tiến hành dựa trên sự phối hợp với các nước trong khu vực, đặc biệt là hai nước láng giềng là Malaysia và Indonesia.
Những thách thức kể trên khó có thể vượt qua trong ngày một ngày hai. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc Đông Nam Á cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện hợp tác. Ước tính, 1.000 chiến binh từ khu vực này đã gia nhập IS để chiến đấu ở Syria và Iraq. Lực lượng này khi trở về sẽ trở thành những lò tuyển mộ, chiêu dụ phần tử cực đoan khác. Hơn bao giờ hết, các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác để đối phó với kịch bản này trước khi quá muộn.