Tăng tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ
“Chính phủ 3.0” là một mô hình hoạt động mới về cách quản trị và tái định hình cơ quan hành pháp bằng cách chia sẻ dữ liệu của chính phủ và các cơ quan nhà nước khác đến với công chúng. Thậm chí, thông tin được bảo đảm cung cấp trước khi được yêu cầu, miễn là không bị xếp loại là bí mật an ninh quốc gia hoặc được bảo vệ vì những lý do riêng tư. Bộ An ninh và Hành chính công được giao nhiệm vụ điều hành và quản lý việc này. Mục đích cuối cùng của Chính phủ 3.0 là bảo đảm động lực cho bộ máy điều hành của đất nước; cung cấp các dịch vụ đã được cá nhân hóa đối với từng công dân; tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo. Theo nghiên cứu của Tổ chức Kaist và Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc, ước tính có khoảng 150 nghìn việc làm và 24 nghìn tỷ won (21,1 tỷ USD) sẽ được tạo ra nhờ Chính phủ 3.0.
Một điểm lớn nhất trong kế hoạch đầy hoài bão trên của Tổng thống Park Geun-hye, vốn là cam kết chính của bà trong chiến dịch tranh cử, là cải thiện tính minh bạch của cơ quan công quyền. Tất cả các công việc hành chính đều được xử lý từ A - Z bằng điện tử nên sẽ không xảy ra bất kỳ hình thức gian lận nào. Đồng thời, tất cả các thông tin của cơ quan Chính phủ sẽ được truyền tải một cách rõ ràng đến người dân. Vì thế, họ có thể truy cập mạng và kiểm tra thông tin cần thiết bất kỳ lúc nào. Chẳng hạn, việc mở thông tin về các dự án do Chính phủ và địa phương cung cấp sẽ giúp công dân theo dõi tiền thuế được sử dụng như thế nào, từ đó tạo áp lực lên các quan chức nhằm tối thiểu hóa những lãng phí ngân sách.
Chính phủ 3.0 cũng giúp kết nối giữa các công dân với nhau và khuyến khích họ tham gia vào các công việc chung của đất nước. Họ có thể có những gợi ý chính sách và thảo luận với các quan chức chính phủ hoặc các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Trang web epeople.go.kr, là cổng giao tiếp và thảo luận chính sách để người dân có thể tham gia. Chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi được lập, năm 2012, số lượng các thảo luận đã tăng gấp 5 lần.
Đa dạng nội dung được thông tin
Theo Báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) về “Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử” và “Chỉ số tham gia Chính phủ điện tử”, Hàn Quốc xếp thứ nhất trong số tất cả các nước thành viên LHQ trong năm 2010 và 2012. |
Cam kết thay đổi mô hình hoạt động của Chính phủ Tổng thống Park thông qua Chính phủ 3.0 là đặt người dân lên hàng đầu. Điều đó được thể hiện qua cách phổ biến thông tin nhà nước ra công chúng. Trước đây, các thông tin của Chính phủ chỉ được cung cấp cho dân khi nào có yêu cầu và phải tuân thủ các quy định chặt chẽ trong Luật Công bố thông tin của các cơ quan nhà nước.
Thực tế, xứ sở kim chi vốn nổi tiếng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Nước này chỉ kém Mỹ về khối lượng dữ liệu chính phủ cung cấp cho công chúng. Dưới Chính phủ 3.0, người Hàn Quốc được phép tiếp cận tới 100 triệu văn bản công mỗi năm. Thông tin của khoảng 1.700 ủy ban và các cơ quan nhà nước sẽ được thêm vào bộ dữ liệu mà công chúng được phép tra cứu. Những lĩnh vực được mở công khai có thể kể đến là thông tin chi tiết về các hoạt động trông trẻ, bệnh viện, thanh toán quá hạn bảo hiểm y tế nhà nước, các cuộc thi chứng chỉ giáo viên, an toàn thuốc và thực phẩm, quản lý các chất hóa học có hại và các cơ sở hạt nhân, các thống kê tài chính và nợ chính phủ, các báo cáo của các công ty nhà nước, chi phí và hợp đồng của các dự án khu vực lớn, biên bản các cuộc họp của hội đồng thành phố…
Hồi tháng 6 vừa qua, một cuộc triển lãm về Chính phủ 3.0 đã được tổ chức ở Coex, Seoul. Tại đây, khoảng 800 ứng dụng điện thoại được phát triển từ 16 nghìn cơ sở dữ liệu công của Chính phủ đã được đưa ra giới thiệu.
Ngoài việc “giải phóng” dữ liệu của mình, Chính phủ còn muốn tìm kiếm sự tham gia nhiệt tình hơn của công chúng vào các công việc của đất nước bằng cách thúc đẩy nền dân chủ điện tử - E-democracy. Trước khi thúc đẩy dự án lớn này- vốn cần phải đầu tư hơn 500 tỷ won (442,5 triệu USD), Chính phủ của bà Park đã hứa hẹn sẽ xây dựng các cuộc thảo luận công khai trực tuyến, thực hiện các cuộc khảo sát và bỏ phiếu trên mạng để có thể lắng nghe ý kiến công chúng được tốt hơn.
Không chỉ có ngợi khen
Hoài bão của Chính phủ 3.0 là rất lớn lao nhưng cũng như nhiều chủ đề khác, nó không tránh khỏi một số ý kiến nghi hoặc, chỉ trích. Nhiều người nhận định, chương trình nghị sự của Chính phủ 3.0 có thể không được thực hiện đúng cách, trừ khi công chức thay đổi nhận thức về công bố thông tin cố hữu của họ. Nếu không, những dữ liệu vô dụng sẽ được cung cấp cho công chúng chỉ đơn thuần là để thực hiện lời hứa của chiến dịch. Những thông tin mà người dân cần lại vấp phải những lưỡng lự không muốn chia sẻ.
Một số khác lại bày tỏ lo ngại về tính dân chủ trực tiếp trực tuyến. Ý tưởng của Chính phủ 3.0 thực sự lý tưởng nhưng không phải là không có những khó khăn trở ngại bất ngờ xảy ra. Một cơ chế để bảo đảm tính trung lập và hợp pháp của việc thu thập thông tin cần phải được chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lắng nghe thêm ý kiến của những người không sử dụng internet và điện thoại thông minh. Bởi Chính phủ 3.0 hay còn gọi là “Chính phủ thông minh” dựa nhiều vào nền tảng công nghệ, nhưng không phải người dân nào cũng biết hoặc thích sử dụng công nghệ này.
Hiện tại, tất cả các công việc hành chính của Hàn Quốc như quản lý hộ khẩu, tài chính, điều phối, nộp thuế, kiểm soát độc quyền, thông quan hàng hóa… đều được xử lý bằng điện tử. Tất cả cán bộ nhà nước đều sử dụng hệ thống thanh toán điện tử được tiêu chuẩn hóa. Nhờ đó, quá trình quyết định chính sách được diễn ra nhanh hơn và các công việc trao đổi giữa các cơ quan chính phủ được tiến hành hiệu quả hơn. Ngoài ra, do Chính phủ quản lý được toàn bộ nguồn tài nguyên nên tránh được việc đầu tư trùng lặp. Bên cạnh đó, do Chính phủ đang cung cấp hầu hết các dịch vụ hành chính cho dân thông qua internet nên người dân không cần trực tiếp đến các cơ quan nhà nước và cũng không cần phải nộp nhiều loại giấy tờ, từ đó giảm thời gian chờ giải quyết các yêu cầu của mình. |