Hiện nay, chưa có quy định về thời gian nhà giáo được luân chuyển công tác từ vùng đặc biệt khó khăn về công tác gần nhà, hoặc nhà giáo công tác vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn trong cùng huyện. Vì vậy, có những nhà giáo nữ từ khi công tác đến lúc nghỉ hưu không được luân chuyển về gần nhà để có thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Thực tế này đã được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đặng Quang Huy phản ánh với Đoàn giám sát.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhà nước đã có nhiều chính sách để thu hút giáo viên lên vùng cao, miền núi, vùng khó khăn công tác. Điều này đã tạo động lực cho không ít sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp ra trường tình nguyện lên “cắm bản”, đem bao nhiệt huyết để gắn bó với học sinh vùng cao. Cùng với sự nhiệt huyết cống hiến tuổi thanh xuân của bao thầy cô tình nguyện, và cả những giáo viên thuộc diện luân chuyển đã giúp biết bao học trò trưởng thành.
Tuy vậy, sau thời gian dài gắn bó nơi vùng cao, miền núi, vùng khó khăn là mong ước được luân chuyển về công tác gần gia đình; tâm tư này của những thầy cô nếu không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn đến tình trạng càng ngày càng khó thu hút giáo viên, hoặc có thể giáo viên sẽ bỏ nghề gieo chữ nơi vùng cao, vùng kinh tế khó khăn.
Liên quan đến cơ chế chính sách đối với giáo viên luân chuyển, Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-BGDĐT ngày 23.12.2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nêu rõ: thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. Cơ quan quản lý giáo dục, địa phương nơi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luân chuyển trở về có trách nhiệm tiếp nhận, sắp xếp và bố trí việc làm đồng thời luân chuyển người khác đi thay thế nếu có yêu cầu. Hết thời hạn nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tình nguyện ở lại để tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn làm nhà, làm kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm.
Quy định nhân văn là vậy, nhưng theo quy định của Luật Viên chức và Nghị định 115 hướng dẫn thi hành thì không còn hình thức luân chuyển, chỉ còn hình thức biệt phái viên chức. Khoảng trống pháp lý này càng làm cho việc “trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển” của người thuộc diện luân chuyển khó lại càng khó.
Một khó khăn khác nữa mà ngành giáo dục đã và đang phải đối diện, đó là theo phân cấp quản lý viên chức hiện nay, việc thuyên chuyển, tiếp nhận giáo viên thuộc thẩm quyền UBND các cấp. Do đó, việc điều động, luân chuyển giáo viên vượt ra ngoài khả năng của ngành giáo dục. Đây cũng là bất cập đã từng được đề cập nhiều lần ở diễn đàn Quốc hội; do đó, cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này, bởi ngành giáo dục, cơ sở giáo dục là người hiểu hơn ai hết đâu là nơi cần thuyên chuyển, tiếp nhận giáo viên hay không.
Do đó, để giáo viên yên tâm với nghề, yên tâm khi được luân chuyển, thuyên chuyển rất cần có khung khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Cùng với đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật về nhà giáo để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, để việc điều động giáo viên bảo đảm khách quan, minh bạch, tránh tình trạng có luân mà không có chuyển.