Dọc đường gió bụi

Lặn biển ở Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm làm say lòng khách lạ bằng những vịnh biển nhỏ xinh trong làn nước xanh ma mị với chuyến lặn biển kỳ thú đuổi bắt đàn cá đủ màu giữa rạn san hô rập rờn cùng nụ cười đôn hậu, chân chất của những người dân làng chài giản dị, khiến một lần mà đã như quen…

Trong veo mắt lưới Bãi Làng 

Sau mấy ngày “sống chậm” ở Hội An, chúng tôi ra Cù Lao Chàm cũng theo cách “đi chậm”, chọn tàu gỗ, chứ không đi canô. Không phải vì vé tàu gỗ rẻ bằng 1/5 vé canô, mà chủ yếu vì canô chạy nhanh quá, vèo cái 20 phút đã ra đến cù lao, mà biển thì xanh đến thế, đẹp đến thế, rõ phí của giời!

Bến tàu Bãi Làng
Bến tàu Bãi Làng

 “Tất cả những thứ giản dị, thậm chí có phần xộc xệch ấy, cùng những mái nhà đơn sơ nép dưới tán dừa khô cháy nắng, đều nên thơ, đẹp như một bức tranh, khi soi bóng xuống mặt nước trong veo, phẳng lặng như một mặt gương. Trên bờ, những con cá bé xíu phơi trên phên tre cũng trong veo…”

Sau gần 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên những con sóng giữa lồng lộng mây trời và nắng gió, tàu cập bến Bãi Làng. Đây là bãi chính của Cù Lao Chàm, cũng là thôn tập trung đông dân cư của Hòn Lao - 1 trong số 8 đảo nhỏ của cù lao rộng hơn 15km2, bên cạnh Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông.

Trên Hòn Lao còn có Bãi Hương, Xóm Cấm, Bãi Ông. Thông thường, các canô theo tour du lịch sẽ cập bến Bãi Hương, đưa du khách đến khu du lịch sinh thái Bãi Chồng hoặc Bãi Ông tắm biển, ăn trưa, tới Bãi Xếp lặn ngắm san hô, còn Bãi Làng chỉ có tàu gỗ cập bến.

 Bãi Làng không có khách sạn hay resort, không có cả những chiếc chòi mái lá hay ghế xếp che ô như nhiều bãi biển, chỉ đơn sơ vài căn nhà làm du lịch cộng đồng gắn biển “homestay”. Bãi Làng cũng không có sự yên tĩnh, vắng vẻ của Bãi Hương, Bãi Ông… vốn chỉ để phục vụ khách du lịch, mà ồn ã hơn với những quầy lưu niệm, hàng hải sản tươi sống ngay gần cầu cảng...

Nhưng Bãi Làng có một điều mà các bãi du lịch khác ở Cù Lao Chàm không có, đó là những người dân chài hồn hậu, chân chất với nụ cười rám nắng luôn nở trên môi. Bãi Làng cũng có cách đón chào khách khác lạ, với những dãy phên phơi cá mặn mòi vị biển, những tấm lưới treo bên mái hiên nhà, những chiếc thuyền thúng đứng im phơi mình trên làn nước xanh trong vắt nhìn rõ tận đáy cát…

Tất cả những thứ giản dị, thậm chí có phần xộc xệch ấy, cùng những mái nhà đơn sơ nép dưới tán dừa khô cháy nắng, đều nên thơ, đẹp như một bức tranh, khi soi bóng xuống mặt nước trong veo, phẳng lặng như một mặt gương. Trên bờ, những con cá bé xíu phơi trên phên tre cũng trong veo…

Chúng tôi đứng trên bờ cát, mắt cũng trong veo, hồ nghi không hiểu những chiếc thuyền thúng cũ kỹ phết sơn đen ngoài kia đang nổi trên mặt nước hay được đặt trên một mặt gương lấp lóa nắng. Những chiếc thuyền thúng nằm rải rác, lười biếng ấy dẫn bước chân chúng tôi tới những bãi biển hoang sơ vắng vẻ không có bóng khách du lịch, nằm khuất sau những vách đá dốc ngược, nghếch mặt lên triền núi ẩn dưới tán rừng xanh mát. Ít thấy ở đâu biển và rừng liền nhau đến thế, và cùng xanh đến thế…

“Thủy cung rợp màu tiên cá”

Những bãi biển ấy là nơi bắt đầu cho những chuyến ra khơi lặn biển đầy kỳ thú cùng các bác dân chài trên chiếc “du thuyền” gỗ cũ kỹ, tới một vịnh biển đẹp nhất, vắng nhất. Bỏ lại chiếc áo phao trên thuyền, đeo mặt nạ và ống thở vào, hòa mình vào làn nước xanh thẳm mát rượi, là cả một thủy cung đẹp mê hồn hiện ra. Đáy biển ở đây khá nông, chỉ chừng vài ba mét đã thấy những đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, những con sao biển xanh lấp ló giữa rạn san hô sống thở phập phồng, rập rờn lung liêng giữa làn nước biếc. Chốn thủy cung sinh động mê đắm ấy bày cho chúng tôi trò đuổi bắt, trốn tìm với các đàn cá đủ loại và những con sao biển, nhưng đôi lúc cũng khiến chúng tôi sợ chết khiếp với đôi ba con nhum, cầu gai tua tủa gai dài nhọn hoắt nấp dưới những nhánh san hô…

Mải mê chơi nghịch đến lúc thấm mệt, thì lên thuyền, lướt sóng tới một vịnh biển khác, cũng nhỏ xinh, với doi cát trắng trải dài như một tấm thảm mịn màng để nằm dài nghỉ ngơi dưới tán cây mát rượi. Hết mệt, lại nhao xuống nước, đuổi bắt cho được hơn 300 loài cá và ngắm cho đủ hơn 130 loài san hô ở khu dự trữ sinh quyển thế giới này, theo như lời bác lái thuyền nói.

Cứ thế, chiếc “du thuyền” cũ kỹ đưa chúng tôi đi một vòng thật xa mà vẫn chưa hết một khúc quanh cù lao, lần lượt đánh thức những vịnh biển xinh đẹp vắng vẻ không một bóng người bằng tiếng máy nổ phành phạch và tiếng cười đùa, nô giỡn vang rộn của đám khách lạ.

Sau một ngày đùa nghịch mệt nhoài với biển là bữa tối với đặc sản rau rừng chấm mắm nêm làm từ những con cá bé xíu trong veo phơi dọc bờ biển cùng những con ốc vú sao, vú nàng nướng thơm phức trên than hoa cùng câu chuyện rôm rả về biển, về cù lao với những người dân chài hồn hậu, chất phác. Tới khi những vì sao nhấp nháy mờ dần, chân trời tít xa ưng ửng hồng, câu chuyện mới vãn và tất cả chập chờn chìm vào giấc ngủ trong mái lều giăng ngay trên bờ biển rười rượi gió mát với giấc mơ về chuyến lặn biển kỳ thú vào sớm mai dưới ánh bình minh trên cù lao xanh xinh đẹp…

Văn hóa

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.

Chương trình tôn vinh nét đặc sắc của văn hóa cố đô Huế
Văn hóa

Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô

Đêm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô , với sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc truyền thống, sẽ diễn ra vào tối 19 - 20.10, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế.

Giữ truyền thống và tạo sức sống mới cho làng nghề
Văn hóa - Thể thao

Đan quyện tinh hoa và sáng tạo

Là “đất trăm nghề”, Hà Nội đang từng bước nâng tầm sản phẩm thủ công, thổi làn gió mới vào giá trị truyền thống; sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo hiện đại không chỉ giúp bảo tồn bản sắc thủ đô, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tìm lại sức sống cho làng nghề.

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô
Văn hóa

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô

Đình Đông Thành hay còn gọi là Chân Thiên Quán được khởi dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Xưa thuộc thôn Đông Thành Thị tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay Đình tọa lạc tại số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.