PGS.TS. NGUYỄN DANH TIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng độc lập dân tộc
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội cùng với Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Là nơi mở đầu toàn quốc kháng chiến, với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng anh dũng và quả cảm, trong suốt 9 năm kháng chiến, Hà Nội cùng với cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo, đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Geneve (ngày 21.7.1954).
Ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954) là mốc son chói lọi trong lịch sử Hà Nội và đất nước. Kể từ đây, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sạch bóng quân thù, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Sự kiện giải phóng Thủ đô 10.10 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho những chặng đường tiếp theo trên hành trình xây dựng và phát triển thành phố, tiến tới trở thành thành phố văn minh, văn hiến, hiện đại, kết nối toàn cầu. Trong đó, kế thừa, tiếp nối, phát huy truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng độc lập dân tộc của Nhân dân Thủ đô, tạo sức mạnh tổng hợp để khẳng định vị thế Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, hơn ai hết, người dân Hà Nội luôn khát khao và trân trọng giá trị của “hòa bình”. Tình yêu hòa bình và khát vọng độc lập dân tộc của Nhân dân Thủ đô đã ngấm vào máu thịt của người Hà Nội từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo ra chất văn hóa riêng cho người dân Thủ đô. Giá trị cao quý đó là nền tảng tinh thần, sức mạnh to lớn, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, nâng cao vị thế, uy tín của Hà Nội và đất nước Việt Nam
TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục: Xây dựng văn hóa xứng tầm Thủ đô thời đại Hồ Chí Minh
Thời gian 70 năm không phải quá dài đối với văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, đó là thời gian mà Việt Nam mở ra trang sử mới sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt ách đô hộ gần thế kỷ của thực dân Pháp, lập lại hòa bình thực sự ở miền Bắc Việt Nam; hơn 20 năm sau là thống nhất non sông, để rồi Đổi mới và phát triển thần kỳ! Tất cả điều đó tác động toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Nhìn tổng thể có thể thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa Thủ đô Hà Nội đã có bước tiến dài so với thời kỳ trước Đổi mới. Nhận thức văn hóa Thủ đô hun đúc nên giá trị, cốt cách con người Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn hóa trong phát triển bền vững… trong quy hoạch và xây dựng, trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, quán triệt mục tiêu của Đảng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… đã được nâng lên ở tầm cao mới, có khả năng đáp ứng yêu cầu sự nghiệp Đổi mới trong giai đoạn mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trước một thế giới nhiều cơ hội mà cũng không ít thách thức khó lường.
Để văn hóa Thủ đô phát triển, thực sự là trung tâm văn hóa của cả nước, cần tiếp tục triển khai sâu sắc hơn, hiệu quả và thực chất hơn chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thích ứng tốt nhất cho kỷ nguyên số, kỷ nguyên sáng tạo. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Triển khai mạnh mẽ và cụ thể hiệu quả hơn chương trình phát triển công nghiệp văn hóa. Phê duyệt và triển khai Quy hoạch Hà Nội đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa như là chìa khóa để khắc phục yếu kém cũ, động lực phát triển mới.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ văn hóa Thủ đô; đồng thời khai thác hiệu quả đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn Hà Nội góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm là trung tâm văn hóa của một Việt Nam phát triển vào năm 2045.
Khai thác tốt nhất những điều khoản đặc thù trong Luật Thủ đô nhằm giữ gìn và phát huy cao độ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời kỳ mới. Đầu tư bài bản, tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo, trí tuệ và kinh phí cho việc xây dựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể xứng tầm Thủ đô của thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ mới phát triển rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
GS. TS. NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Nguồn lực con người quyết định tương lai phát triển của Hà Nội
Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều hội tụ về đây và lan tỏa từ đây. Những hoàng đế anh minh, những danh tướng thiên tài, những danh nhân kiệt xuất, cho đến thường dân nếu không được sinh ra ở đây thì cũng chọn nơi đây lập nghiệp và cống hiến.
Họ là những anh hùng dân tộc, các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất, các danh nhân văn hóa, những người đã đóng góp tài năng, trí tuệ, cuộc đời và sự nghiệp làm rạng rỡ lịch sử và văn hóa Hà Nội. Đó là Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Chu Văn An, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), Cao Bá Quát (Thánh Quát), Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Phú Trọng…
Họ là những người lao động giỏi “khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”, những nông dân sáng tạo ra các sản phẩm nổi tiếng của đất Kinh Kỳ, những người sản xuất và buôn bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Tiêu biểu cho những người lao động sáng tạo là tổ sư các nghề, là thợ cả, thợ lành nghề, các nghệ nhân được đời đời ca ngợi.
Thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc và hiện hữu với những tên tuổi các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, người lao động tài giỏi và thành công trên tất cả lĩnh vực đã kết quyện và định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng và truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội. Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung; truyền thống lao động sáng tạo; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh, thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…
Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.