Kể chuyện lịch sử và văn hóa làng nghề
Triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, kể câu chuyện lịch sử và văn hóa của La Khê, làng nghề dệt truyền thống nổi tiếng của Hà Nội. Từ những tấm vải the, sa, lụa mềm mại đến những bó tơ, khung cửi và dụng cụ gắn liền với nghề dệt qua thời gian được giới thiệu làm toát lên vẻ đẹp của sự tỉ mỉ, sự tài hoa, sáng tạo của thợ thủ công làng nghề qua bao đời. Bên cạnh đó là những trang phục hiện đại, cho thấy tính ứng dụng rộng rãi của vải dệt truyền thống trong đời sống hiện nay.
Làng dệt La Khê từng được nhắc tới trong các câu ca dao xưa như: The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn. Theo các cụ cao tuổi của làng, đến đầu thế kỷ thứ XVII, nhiều sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm, vóc của La Khê với họa tiết, hoa văn tinh xảo đã được sử dụng rộng rãi từ trong cung đình tới đời sống thường dân…
Qua thời gian dài chiến tranh, nghề dệt the, lụa bị gián đoạn. Đến những năm 2000, mô hình Hợp tác xã bảo tồn, phát triển nghề dệt lụa La Khê ra đời, tuy nhiên, việc tìm lại sức sống cho nghề dệt cổ truyền vô cùng khó khăn; ông Nguyễn Bao Hoàng, từng là thành viên Hợp tác xã cho biết, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã và nghệ nhân trong làng đã bỏ nhiều công sức, song thực tế triển khai không dễ dàng bởi kỹ thuật dệt công phu, tỉ mỉ, trong khi làng không còn mấy người biết cách dệt the lụa truyền thống, sản phẩm cũng kén người sử dụng. Hơn nữa, sản phẩm thủ công với 100% chất liệu tơ tằm không cạnh tranh được về giá so với dệt công nghiệp và vải chất liệu khác. Bởi vậy, chẳng mấy ai mặn mà tiếp nối, mấy chục khung cửi bị phá bỏ; trong làng chỉ còn nghệ nhân Lê Đăng Toản mải miết phục dựng các kỹ thuật dệt, gìn giữ nghề.
Nghệ nhân Lê Đăng Toản cho biết, the lụa La Khê dệt bằng sợi tơ tằm, điểm đặc biệt là cách dệt thưa thoáng hơn lụa, nhưng không xô, dạt. Đó là tuyệt kỹ mà chỉ người La Khê mới làm được. Tuy nhiên, nghề dệt the rất công phu, đòi hỏi thợ dệt phải tỉ mỉ và kiên trì, trong đó dệt hoa văn, họa tiết được coi là khó nhất…
Gần 10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Lê Đăng Toản đã khôi phục được hàng chục mẫu dệt hoa văn the cổ, trong đó có những mẫu hoa văn cầu kỳ với họa tiết cách điệu như tứ linh, tứ quý hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ… Vải the lụa La Khê cũng bước đầu được các nhà thiết kế trẻ sử dụng trên một số mẫu thiết kế áo dài ngũ thân, trang phục hiện đại, thu hút sự quan tâm của công chúng…
Truyền cảm hứng vào sáng tạo đương đại
Câu chuyện làng dệt làng La Khê cũng tương tự nhiều làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Thành phố có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản cần vượt qua để khai thác tiềm năng và phát triển bền vững làng nghề, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.
TS. Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đứng về góc độ thị trường, sản phẩm thủ công sẽ gặp khó bởi không cạnh tranh được về giá cả. Để nghề truyền thống có thể được bảo tồn và phát triển, doanh nghiệp cũng như nghệ nhân, nhà thiết kế phải hướng tới tạo ra các sản phẩm cao cấp. Phải kể được câu chuyện truyền cảm hứng, gắn với truyền thống và sự độc đáo của sản phẩm. Chẳng hạn, sử dụng vải lụa, the La Khê, sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã nghiên cứu, sáng tạo thiết kế các bộ sưu tập khác biệt, ứng dụng được vào đời sống… "Có thể thấy, không đơn thuần là kể câu chuyện chất liệu, truyền thống, mà cách thức sử dụng kỹ thuật, thiết kế mang lại sự đặc sắc cũng cần phải được coi trọng".
Câu chuyện thiết kế đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên, hiện nay chỉ một số làng nghề có sự phối hợp với nghệ sĩ, người làm sáng tạo để phát triển mẫu mã mới. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Thu Thủy, tình trạng sao chép mẫu thiết kế diễn ra tràn lan, bản quyền chưa được chú trọng đúng mức. Chẳng hạn, tại làng gốm Bát Tràng, một cơ sở ra mẫu mới và bán được thì những nhà khác cũng sao chép. Đây là tình trạng phổ biến mà các làng nghề đều gặp phải. Bởi vậy, người sản xuất phải nâng cao ý thức về việc sáng tạo các sản phẩm riêng có của mình.
Hà Nội từng nổi tiếng với 36 phố nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thủ đô đang từng bước “lột xác” để trở thành những món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia. Nhận định như vậy, GS.TS. Từ Thị Loan, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, cần có chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Theo đó, cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh nguyên liệu cho sản xuất… Đặc biệt, tăng cường xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động…
Làng nghề truyền thống không chỉ là những xưởng sản xuất đơn thuần mà còn là những bảo tàng sống động, lưu giữ hồn cốt văn hóa của dân tộc, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kết hợp hài hòa giữa tri thức xưa và sự sáng tạo nay sẽ giúp các làng nghề phát triển bền vững.