Tiếp xúc cử tri là hoạt động dân nguyện, dân vận
Tại Hội thảo “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội tổ chức, các đại biểu Quốc hội nêu rõ, tiếp xúc cử tri là cầu nối quan trọng giữa người đại biểu và Nhân dân, để hai bên cùng chia sẻ, thấu hiểu, làm cho các ý nguyện chính đáng của người dân được tiếp thu, phản ánh đến cơ quan nhà nước có liên quan. Suy cho cùng, hoạt động tiếp xúc cử tri là hoạt động dân nguyện, dân vận.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu dân cử lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ những kiến nghị cử tri nêu tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, các ĐBQH đã chọn lọc những vấn đề nóng, những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần để tổ chức giám sát, khảo sát. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri sẽ góp phần giải quyết dứt điểm những bức xúc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại mỗi địa phương.
Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH cũng đã được quy định trong Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết những vấn đề nóng, những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị là hoạt động được các ĐBQH thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch này cũng đã cho thấy nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, nhiều ĐBQH chưa chủ động sắp xếp thời gian thực hiện các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng, nơi cư trú, nơi công tác, vì vậy, các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri được Văn phòng tham mưu tổng hợp chủ yếu từ nguồn các Hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ, ít đại biểu chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri về Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri theo nhóm hoặc cá nhân đại biểu.
Từ kinh nghiệm hoạt động của mình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha thẳng thắn, rất ít ĐBQH tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc. Đáng lưu ý, theo Nghị quyết liên tịch số số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN, hàng năm ĐBQH phải báo cáo với cử tri về việc thực hiện "lời hứa" khi ứng cử, nhưng cũng rất ít ĐBQH làm được. Nhiều Hội nghị tiếp xúc cử tri còn khá tẻ nhạt.
Để khắc phục tình trạng này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, đã đến lúc cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN, đồng thời xem xét xây dựng Luật về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND. Để thực hiện nghiêm việc tiếp xúc cử tri, cần quy định theo hướng ĐBQH hoạt động chuyên trách mỗi năm dành 1/3 thời gian để tiếp xúc cử tri; nếu không có quy định này, ĐBQH sẽ luôn là "nhà chính trị", phát biểu từ chuyên môn, quá ít tiếng nói của cử tri cũng như “nhựa sống” đưa vào diễn đàn nghị trường, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Pha đề nghị.
Phó Trưởng đoàn Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị, cần sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 - ĐCTUBTWMTTQVN theo hướng, bổ sung quy định về hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân và nhóm cử tri. Quy định cụ thể hơn việc ĐBQH có thể phối hợp với đại biểu HĐND cùng tiếp xúc cử tri, quy định này hiện rất ít thực hiện và chưa được thực hiện trong nhiệm kỳ khóa XV này.
Đại biểu Quốc hội dành thời gian gắn bó với cử tri tại nơi ứng cử
Nêu quan điểm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện phải bắt đầu từ ĐBQH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, ĐBQH phải gắn bó với cử tri, làm tốt dân nguyện là trách nhiệm của ĐBQH. Lâu nay chúng ta quá chú trọng đến phương tiện, tổ chức, bộ máy, mà chưa chú trọng đến nhân vật trung tâm là ĐBQH. ĐBQH phải trực tiếp lắng nghe nhân dân, nói cho dân hiểu, đồng hành cùng nhân dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ gốc. Cho nên, kinh nghiệm của nhiều nước đều bắt buộc ĐBQH phải dành một nửa thời gian tại nơi ứng cử, ông Lê Minh Thông cho biết.
Đề xuất tới đây cần thay đổi lại quy chế tiếp xúc cử tri, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, để làm tốt công tác dân nguyện, cần xây dựng quy chế làm việc của ĐBQH, bắt buộc ĐBQH dành một khoảng thời gian nhất định tại địa bàn nơi ứng cử. Các ĐBQH được bố trí nơi làm việc tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; khi đó, ĐBQH sẽ có thời gian ở địa bàn, tức là ở cùng với nhân dân, cùng với cử tri, đồng hành cùng cử tri giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của cử tri, có như vậy mới không có câu chuyện khiếu nại vượt cấp.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Lê Minh Thông cũng cho rằng, “ĐBQH không chỉ hoạt động ở nghị trường, mà phải hoạt động ở thực tiễn, đại biểu phải ở cơ sở để biết được vấn đề gì đang diễn ra, dân nghĩ gì, dân muốn gì, từ đó đốc thúc để giải quyết. Khi ĐBQH đồng hành với cử tri, thì các cơ quan địa phương phải giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri và Nhân dân, không thể không giải quyết được. Đây là việc mà bản thân tôi đã làm và rất hiệu quả”.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu rất xác đáng, tâm huyết, trí tuệ của các ĐBQH cùng các chuyên gia và nhà khoa học tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tiếp thu nghiêm túc đầy đủ, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án quan trọng này.