Cử tri cùng giám sát
Trong phiên thảo luận ở Hội trường chiều 26.5, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lần đầu tiên Quốc hội đưa Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri ra thảo luận tại nghị trường, giúp cử tri tiếp cận trực tiếp với những thông tin về giải quyết kiến nghị của mình như thế nào, tạo điều kiện để cử tri cùng giám sát. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết kiến nghị cử tri sao cho kịp thời, chất lượng nhất.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), Quốc hội thực hiện thảo luận nội dung này sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ kết quả, tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị cử tri của Quốc hội, các bộ, ngành. Điều này càng minh chứng, thời gian qua Quốc hội đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết, đồng hành với nhân dân.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành rất quyết tâm, nỗ lực trong trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Qua tổng hợp, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương đã giải quyết và trả lời được 2.466/2.469 kiến nghị. Trong số liệu này, các bộ, ngành Trung ương đã giải trình, cung cấp thông tin về 2.004 kiến nghị của cử tri, chiếm 81,3%. Như vậy, tuyệt đại đa số trả lời của cử tri là thông qua giải trình, cung cấp thông tin. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, cần xem xét việc cử tri và Nhân dân có đồng tình với nội dung thông tin giải trình hay không. Việc giải trình, cung cấp thông tin có thực sự giải quyết được vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm hay không, tránh việc người dân tiếp tục hỏi và cơ quan chức năng lại tiếp tục cung cấp thông tin.
Các đại biểu cũng phản ánh thêm, không chỉ kiến nghị của cử tri mà kiến nghị của địa phương gửi về các bộ, ngành, Chính phủ cũng đang được trả lời theo hướng "theo quy trình...", "theo quy định của pháp luật...", thì rất khó thỏa mãn mong muốn, yêu cầu của cử tri. “Trả lời kiến nghị cử tri cần theo hướng xử lý công việc, chứ không phải để biết”, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.
Trả lời theo hướng xử lý thấu đáo, tận gốc vấn đề
Cho rằng giải quyết kiến nghị cử tri có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của từng người dân, từng địa bàn, từng cụm dân cư, ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) dẫn chứng, hiện nay rất nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, gặp khó khăn về vật liệu để xây dựng nhà ở, công trình dân sinh; việc thiếu vật liệu trong xây dựng không chỉ xảy ra với những công trình lớn, trọng điểm mà đang hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhưng đến nay, những quy định liên quan đến Luật Khoáng sản vẫn chậm được sửa đổi, dù đã được kiến nghị rất nhiều lần.
Hay với Nghị định 75/2015/NĐ - CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu rõ, Nghị định chỉ có hiệu lực trong giai đoạn 2015 - 2020, sau đó, Chính phủ không có Nghị định thay thế mà gắn trực tiếp vấn đề này với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi đó, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này chậm, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình về nội dung chính sách bảo vệ và phát triển rừng lại viện dẫn ngược Nghị định 75/2015/NĐ - CP là rất không hợp lý, thì làm sao nâng cao, thay đổi được đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số?
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần khẩn trương nghiên cứu khắc phục, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn, các Bộ, ngành "đặt mình vào địa vị của người dân" ở nơi xảy ra khó khăn, vướng mắc để giải quyết cho thật thấu đáo.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, việc trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chung chung, mang tính viện dẫn "điều luật này, điều luật kia", mà chưa hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điển hình như giải quyết kiến nghị với người có công, kiến nghị xây dựng công trình giao thông, thủy lợi tại địa phương. Để công tác giải quyết kiến nghị cử tri thật sự hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề xuất, đối với những vấn đề mang tính sự vụ, tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục tại địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể, rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để cử tri, các sở, ngành liên quan áp dụng được, giải quyết tận gốc vấn đề. Đối với những kiến nghị mang tính vĩ mô, chưa thể giải quyết trước mắt, cần đưa ra lộ trình giải quyết, không trả lời kiểu viện dẫn chính quy định hiện hành có bất cập và cử tri đang kiến nghị.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, cần tăng cường giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri thường xuyên, liên tục, không chỉ giám sát cụ thể việc giải quyết một số kiến nghị mà cần giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị cử tri, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan trong giải quyết kiến nghị cử tri. Đồng thời, đưa báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri vào thảo luận thường kỳ tại kỳ họp, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ “các nội dung tại phiên thảo luận sẽ được đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Năm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu theo đề nghị của đại biểu để tham mưu, bố trí, thảo luận nội dung này cân đối hài hòa với các nội dung khác ở các kỳ họp sau cũng như việc ban hành Nghị quyết về nội dung này”.