Nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã hoàn thiện các quy định về giải thích các khái niệm công trình quốc phòng, khu quân sự…; phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; công trình lưỡng dụng; phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự… Đồng thời, dự án Luật cũng quy định tiêu chí, nguyên tắc cơ bản và quy định giới hạn tối đa phạm vi bảo vệ theo từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể phạm vi bảo vệ phù hợp với từng nhóm, đáp ứng với yêu cầu của công tác này.
Đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Bộ Quốc phòng đã phối hợp rất chặt chẽ trong suốt thời gian qua để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tất cả các cơ quan đều có trách nhiệm, không phải việc riêng của quốc phòng. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật cần nêu rõ: công tác bảo vệ, quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự được thực hiện tốt trong thời gian qua, nhưng chưa có luật điều chỉnh với công tác này.
Với tính chất là một luật mới điều chỉnh về công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ, vừa quản lý, bảo vệ được công trình quốc phòng, khu quân sự, vừa tạo điều kiện để sử dụng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đặt vấn đề “trong thời đại 4.0, khoa học, công nghệ rất phát triển, thế giới thực hiện quay phim, ghi hình, định vị vị trí trên vệ tinh, vào Google có thể thấy cụ thể từng công trình”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần rà soát kỹ các quy định về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự (Điều 18). Đồng thời, phải quy định rất cụ thể các hành vi không được thực hiện trong khu vực này, tránh đưa vào quy định tại dự thảo Luật có khi gây ách tắc những việc hiện nay đang làm rất tốt.
“Vẫn xác định đây là nhiệm vụ tối cần thiết, tối quan trọng, ưu tiên hàng đầu nhưng phải bảo vệ bằng sức mạnh nhân dân, bảo vệ bằng khoa học, công nghệ, bảo vệ bằng sự kết hợp các lực lượng, bảo vệ bằng cách vừa sản xuất vừa chiến đấu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng quan điểm nêu trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát thật kỹ các chế độ, biện pháp bảo vệ áp dụng đối với các công trình quốc phòng, khu vực quân sự nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 là “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nhận thấy, tại khoản 3 Điều 18 dự thảo Luật quy định về chế độ bảo vệ áp dụng đối với các công trình quốc phòng, khu quân sự thuộc nhóm III xác định không cho phép thực hiện hoạt động du lịch ở đây. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật lại quy định các công trình quốc phòng thuộc nhóm III có rất nhiều công trình, trong đó có Trung tâm Văn hóa quốc phòng, Trung tâm Thể thao quốc phòng, Bảo tàng quân sự vẫn có thể cân nhắc cho phép tiến hành các hoạt động thăm quan, du lịch. Do vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, cần rà soát kỹ chế độ bảo vệ với từng công trình, từng khu vực quân sự để bảo đảm tính tương xứng giữa mức độ yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và những yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.
Quy định chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng của công trình lưỡng dụng
Về công trình lưỡng dụng, tại Điều 7, dự thảo Luật quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển công trình lưỡng dụng từ sử dụng cho mục đích dân sự sang sử dụng cho mục đích quân sự trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, việc phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển công trình lưỡng dụng trong trường hợp cấp bách mà không giao cho Thủ tướng như đối với các trường hợp khác là rất cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định việc chuyển mục đích sử dụng của công trình lưỡng dụng từ mục đích dân sự sang mục đích quân sự, nhưng chưa quy định về việc khi tình huống cấp bách không còn nữa thì việc chuyển mục đích quân sự về mục đích dân sự như ban đầu có đặt ra hay không, cũng chưa quy định thẩm quyền quyết định trong trường hợp này. Do vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung các nội dung này thật chặt chẽ.
Quy định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 12 dự thảo Luật cũng khiến nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn do không thống nhất với quy định liên quan tại Luật Đất đai hiện hành và dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi, theo quy định tại Điều 12, với những công trình quốc phòng và khu quân sự không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, hoặc còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác, bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì toàn bộ việc chuyển mục đích sử dụng đất đều là thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Vấn đề này tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa được điều chỉnh. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ phải có ý kiến rất rõ ràng và chính thức, nếu quy định theo hướng như ở Điều 12 dự thảo Luật thì phải điều chỉnh đồng bộ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có cơ sở thực hiện.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình thì phải làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong các chế độ bảo vệ, quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự.