ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh): Nghiên cứu, bổ sung quy định minh bạch, công khai về kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng
Tôi đồng tình việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng...
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tách chức năng “đầu tư” và “thương mại” của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bởi, hiện nay một số ngân hàng đang sử dụng nguồn từ tiền gửi để đi đầu tư, đặc biệt có hoạt động đầu tư vào một số lĩnh vực còn khá rủi ro, trong khi chức năng “đầu tư” và “thương mại” cũng chưa được tách bạch trong các quy định hiện hành.
Tương tự như vậy, với “tín dụng thương mại” và “tín dụng chính sách”, hiện nay chúng ta có Ngân hàng chính sách xã hội sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ cho vay các gói tín dụng chính sách. Tuy nhiên, với ngân hàng thương mại, để thực hiện các chủ trương chung, thì nguồn vốn chủ yếu từ việc huy động, nên khi điều chỉnh lãi suất sẽ gặp khó khăn chung, dù Chính phủ có hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, hiện nay, cử tri và Nhân dân rất băn khoăn khi thực hiện vay ở các ngân hàng bị tác động lớn bởi các nhân viên đề nghị mua bảo hiểm - điều này cử tri đã nhiều lần phản ánh. Đề nghị lần sửa đổi này cần nghiên cứu, bổ sung quy định thật minh bạch, công khai về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh): Cân nhắc, rà soát các quy định liên quan đến hạ mức chủ sở hữu, vốn vay
Về giảm giới hạn cấp tín dụng trên một khách hàng, dự thảo Luật quy định giảm từ 15% xuống 10% và trên một nhóm khách hàng sẽ giảm từ 25% xuống 15%. Thực tế cho thấy, ngay cả với mức giới hạn hiện tại đã phát sinh vấn đề là một dự án hoặc một tổ chức, doanh nghiệp lớn phải đi huy động từ nhiều khách hàng. Chính vì vậy, để đáp ứng được các điều kiện của mỗi ngân hàng mà không có những khoản vay chính của một ngân hàng chủ đạo, thì sau này khi xảy ra tranh chấp, hoặc làm ăn không thuận lợi, thì tất cả những vấn đề đó sẽ tạo ra nhiều rủi ro khác nhau.
Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nói rất rõ là hiện nay, kinh nghiệm quốc tế đang quy định cao hơn so với các hạn mức trong Luật hiện hành. Vậy cơ sở nào để các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm giới hạn mức cho vay của khách hàng, vì quy định như vậy sẽ tạo khó khăn cho các doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để có thể triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là cũng giảm sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và rà soát các quy định liên quan đến hạ mức chủ sở hữu, hạ mức vốn vay cho từng khách hàng và quy định với những người liên quan. Đây là nội dung nhằm giải quyết vấn đề sở hữu chéo, song tôi thấy rằng cũng chưa có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để đưa ra những quy định này.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa): Quy định rõ thời điểm xác lập tư cách thành viên với tổ chức tín dụng là hợp tác xã
Khoản 5, Điều 193 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là quy định duy nhất đề cập đến chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác; trong khi đây là nội dung hoạt động của các tổ chức này trong việc chăm lo cho đoàn viên, hội viên, khách hàng, người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, cùng với việc bổ sung vào đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, thì tại Điều 4, dự thảo Luật, về giải thích từ ngữ, cần làm rõ thế nào là chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác để có căn cứ Chính phủ quy định cụ thể hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô.
Về xác lập tư cách thành viên đối với tổ chức tín dụng là hợp tác xã, Điều 80, dự thảo Luật đã bỏ quy định thông qua danh sách kết nạp thành viên mới so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành. Vấn đề này đặt ra câu hỏi: Thành viên mới được xác lập tư cách khi nào? Trong khi đó Điều 82, dự thảo Luật đưa ra quy định kết nạp thành viên mới là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, mà không đặt ra thời điểm thành viên mới được kết nạp. Việc không quy định rõ thời điểm xác lập tư cách thành viên đối với tổ chức tín dụng hợp tác xã gây khó khăn cho việc huy động vốn, thời điểm cần vốn lại không có. Vì, theo Luật hiện hành, phải chờ đến Đại hội thành viên (tức là mỗi năm một lần) mới được thông qua danh sách thành viên mới. Đây là vấn đề còn bất cập.