Thảo luận tại Tổ 15, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng, nên sớm ban hành nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để bảo đảm quyền lợi của đất nước.
Góp ý về dự án Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung về cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn giữa các điều khoản và điều luật, giữa những nội dung liên quan đến các Luật khác nhau, như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP),…Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cụ thể tại Điều 32 quy định về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong dự thảo Luật đã phân định rõ các loại đường, cấp đường, kỹ thuật đường, đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và các loại khác nhau. Trong khoản 1, Điều 32 có quy định đầu tư xây dựng công trình đường bộ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa rõ các hình thức đầu tư khác được quy định theo luật nào, có bao gồm pháp luật về đầu tư không. Do vậy, vấn đề này cần được làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý khi triển khai tổ chức thực hiện.
Tại Điều 42 về chi phí quản lý vận hành khai thác sử dụng bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (gồm các quy định tại Điều 40, 41) cần phải làm rõ thêm chi phí vận hành cụ thể gồm chi phí và thực hiện theo nguồn tính toán trong nội dung nào. Liên quan đến khoản 3, Điều 42 có quy định “đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hạng mục công trình đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình cho đến khi bàn giao cho tổ chức, cá nhân quản lý. Chi phí quản lý, bảo trì các tuyến đường này được tính trong tổng mức đầu tư của dự án”, đại biểu cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, do vậy cần xem lại các nội dung quy định tại điều này.
Liên quan đến Điều 45 về nguồn tài chính thực hiện, đại biểu cho rằng đã có sự đổi mới, có quy định nội dung cụ thể nhưng tính khả thi khi triển khai thực hiện chưa rõ. Theo đó, tại khoản 2 nêu rằng “nguồn thu được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng quản lý, vận hành khai thác bảo trì đường bộ bao gồm các nguồn sau là phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phí sử dụng đường cao tốc thu qua phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư sở hữu quản lý khai thác; các nguồn thu khác liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định”. Đây là nội dung không cần thiết vì trên thực tế tất cả các khoản thu đều nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó nội dung này nên thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, không nên quy định cụ thể như trên.
ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi luật sao cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ và kiểm soát kỹ thuật, tải trọng phương tiện, xây dựng và bảo trì công trình đường bộ. Đối với những nội dung giao Chính phủ hoặc các Bộ quy định, cần xác định nguyên tắc trong Luật để làm căn cứ quy định và thực hiện giám sát sau khi Luật được ban hành.