Phát hành tiền mệnh giá siêu lớn để tạo thuận lợi cho giao dịch
Chủ tịch BCRA Santiago Bausili cho biết, việc lưu hành tiền có mệnh giá lớn là nhằm theo kịp tốc độ lạm phát, khi những tờ tiền mệnh giá nhỏ ít được sử dụng và không đáp ứng các giao dịch lớn. Hiện tại việc giao dịch của người dân vô cùng phức tạp với việc phải mang vác những bao tải tiền lớn.
BCRA cũng cho biêt đã chọn các thiết kế có sẵn cho các tờ tiền mới, một quyết định nằm trong nỗ lực tiết kiệm tài nguyên và đẩy nhanh thời gian phát hành các tờ tiền mệnh giá lớn. Tờ tiền mệnh giá lớn nhất của Argentina hiện là 2.000 peso, được BCRA lưu hành năm ngoái, nhưng chúng cũng vô cùng hiếm và được người dân săn lùng.
Dự kiến, nhiều tờ tiền mệnh giá lớn hơn nữa, có thể lên đến 50.000 peso sẽ được đưa vào lưu hành khi tân Tổng thống Javier Milei tìm cách đối phó với tình trạng siêu lạm phát bằng các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” cứng rắn.
Trước đó cùng ngày, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết Argentina khép lại năm 2023 với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 211; 4% so với năm 2022. Đây là mức tăng CPI kỷ lục ở Argentina kể từ năm 1990; đồng thời là mức cao nhất khu vực Mỹ Latin, xếp trên Venezuela (193%).
Lạm phát cao nhất kể từ 34 năm qua
Theo INDEC, lạm phát tại Argentina vào tháng 12 đã tăng 25,5% so với tháng 11.2023, qua đó phản ánh tác động mạnh mẽ từ gói biện pháp kinh tế khẩn cấp do Chính phủ Argentina đưa ra ngay sau khi Tổng thống Javier Milei chính thức nhậm chức ngày 10.12.2023, trong đó nổi bật là phá giá tới 50% đồng nội tệ peso và cắt giảm tối đa trợ cấp cho các lĩnh vực dịch vụ công.
Thực phẩm và đồ uống không cồn là những mặt hàng đứng đầu danh sách lạm phát hiện nay khi mức tăng giá trung bình là 29,7% trong tháng 12. Các sản phẩm tiêu dùng thông dụng khác tăng khoảng 30%, trong khi thuốc có mức tăng trung bình là 40%.
Theo INDEC, lạm phát tại Argentina vào tháng 12 đã tăng 25,5% so với tháng 11.2023, qua đó phản ánh tác động mạnh mẽ từ gói biện pháp kinh tế khẩn cấp do Chính phủ Argentina đưa ra ngay sau khi Tổng thống Javier Milei chính thức nhậm chức ngày 10.12.2023. Ông đã ban hành một loạt chính sách cải tổ nền kinh tế, trong đó có quyết định phá giá tới 50% đồng nội tệ peso và cắt giảm tối đa trợ cấp cho các lĩnh vực dịch vụ công.
Cùng với đó, chính phủ mới của Argentina cũng quyết định hủy bỏ chương trình “đóng băng” giá các mặt hàng thiết yếu được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Alberto Fernández ban hành. Các biện pháp trên góp phần khiến CPI tháng 12.2023 tăng vọt, trong đó, dịch vụ công cộng tăng 32,7%, y tế tăng 32,6%, giao thông vận tải tăng 31%, thực phẩm và đồ uống có cồn tăng 29,7%.
Trong một bài phát biểu, Tổng thống Javier Milei cho rằng, dù tỷ lệ lạm phát cả năm tăng kỷ lục, song lạm phát tháng 12.2023 đã giảm thấp hơn mức dự báo (30%). Đây là một thành công của chính sách ông đang triển khai. Chính phủ Argentina trước đó dự báo lạm phát trong giai đoạn từ tháng 12.2023-2.2024 sẽ tăng trung bình từ 20% đến 40%.
Tỷ giá hối đoái chính thức của đồng peso hiện đứng ở mức khoảng 815 peso/1 đô la và BCRA dự định sẽ giảm 2% mỗi tháng.
Đồng peso cũng đã suy yếu trong các thị trường song song được sử dụng để kiểm soát tiền tệ. Và tỷ giá chợ đen, còn được gọi là “đô la xanh”, đã giảm xuống mức 1.150 peso đổi một đồng bạc xanh kể từ đầu năm.
Mặc dù quốc gia này hiện đã sử dụng đồng đô la Mỹ một cách không chính thức cho nhiều giao dịch hàng ngày, nhưng người Argentina mua chúng rất tốn kém và nội tệ vẫn cần thiết cho các hoạt động thường ngày như đi đến cửa hàng tạp hóa, di chuyển và dùng bữa tại nhà hàng.
Tổng thống Argentina cũng khẳng định sẽ thực hiện cam kết đóng cửa Ngân hàng Trung ương. Đây là biện pháp mà nhà lãnh đạo này tin rằng có thể giúp ngăn chặn tình trạng lạm phát trong vòng 18-24 tháng.
Tại Argentina, siêu lạm phát thời kỳ 1989-1990 vẫn còn nguyên trong ký ức và là nỗi ám ảnh của người dân nước này, khi mà chỉ số CPI tăng tới 3.079% vào năm 1989 và tăng 2.314% vào năm 1990, cùng với đó là tỷ lệ nghèo đói rất cao.