80% doanh nghiệp cam kết hoặc lên kế hoạch thực hành ESG
Tiêu chuẩn ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã Hội, và Governance - Quản trị) là bộ tiêu chí được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả và sự bền vững của một doanh nghiệp hoặc tổ chức.
Theo Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tích cực và chủ động giảm thiểu carbon, giảm rác thải, thực hiện các hoạt động trách nhiệm với cộng đồng như một phần trong các tiêu chí ESG. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản với các doanh nghiệp trong áp dụng các tiêu chí ESG, nhất là khi khái niệm ESG còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong một cuộc thăm dò gần đây, có tới 80% doanh nghiệp được hỏi đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra những con số phần nào thể hiện các thách thức, rào cản trong việc thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 71% doanh nghiệp thiếu hiểu biết về dữ liệu cần có để báo cáo, 70% chưa có hoặc hạn chế báo cáo ESG, và chỉ 36% doanh nghiệp sử dụng đối tác bên ngoài để xác thực các thông tin ESG được công bố.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ESG không chỉ là cam kết của doanh nghiệp mà là đòi hỏi thực sự của cuộc sống và thị trường, đòi hỏi của người tiêu dùng với rất nhiều luật lệ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ESG đối với sự phát triển, lợi thế cạnh tranh của mình, cũng như những cơ hội và cả thách thức mà ESG đem lại.
Thiếu thông tin, nguồn lực thực hành ESG
Chia sẻ vấn đề này, theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần đây, khái niệm ESG xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã công bố báo cáo ESG và có thành tựu nhất định trong công tác này. ESG là xu hướng tất yếu, song hiện tại các doanh nghiệp tiên phong trong ESG đều là các công ty có quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI và là các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, quan tâm đến các yêu cầu của thị trường liên quan phát triển bền vững. 97,8% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì ESG vẫn là khái niệm khá mới mẻ.
Bên cạnh đó, trong các khảo sát gần đây, doanh nghiệp cho biết, thách thức đầu tiên trong thực hành ESG là thiếu thông tin và kiến thức, đa số doanh nghiệp băn khoăn phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, thực hành có tốn kém hay không… Ngoài ra, để thực hành ESG, chẳng hạn như tuân thủ yêu cầu về môi trường, cần cải tiến công nghệ, áp dụng nguồn năng lượng mới…, tất yếu phải có nguồn lực kể cả về tài chính và con người.
Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhìn nhận ESG không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, và đầu tư để thu lại lợi ích. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng năng lực cạnh tranh và tiếp cận các nguồn vốn xanh dễ dàng hơn.
Để giúp doanh nghiệp lồng ghép các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban Quan hệ đối tác, VBCSD cho biết, VBCSD đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể việc kết hợp ESG trong chiến lược phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng để căn cứ vào đó lượng hóa các tiêu chí ESG và áp dụng vào thực tế doanh nghiệp.