Xuất khẩu Hoa Kỳ

Chủ động các biện pháp đối mặt phòng vệ thương mại

- Thứ Sáu, 02/12/2022, 06:53 - Chia sẻ

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2022 với chủ đề "Thay đổi - Thách thức - Thích ứng" vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dù thương mại song phương với Hoa Kỳ đã có nhiều kết quả tích cực, song thách thức đặt ra cũng không nhỏ bởi tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa  Việt Nam ngày càng gia tăng.

Nhiều rào cản trước mắt

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, sau hơn 27 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Hiện Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ 2 (sau Trung Quốc), có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 10 tháng năm nay.

Tuy nhiên, đến nay, Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu... Điều này khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó hơn.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại”, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng đánh giá.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng với các biện pháp phòng vệ thương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng với các biện pháp phòng vệ thương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ
Nguồn: ITN

Khai thác lợi thế

Trước việc Hoa Kỳ liên tiếp gia tăng tần suất về các vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng của Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như dây chuyền, chuỗi sản xuất trong khu vực và toàn cầu. Điển hình như hoa quả tươi của Việt Nam rất có lợi thế tại Hoa Kỳ, nên cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Do có khoảng 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ là nguồn khách hàng lớn để tiêu thụ hàng hoa quả tươi và nông sản có nguồn gốc từ Việt Nam. Ngoài ra, 20 triệu người Mỹ gốc Á cũng là khách hàng tiềm năng cho hàng nông sản của Việt Nam do có cùng sở thích và thị hiếu tiêu dùng các mặt hàng hoa quả, nông sản nhiệt đới.

Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thực thi đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng Hoa Kỳ, tránh vi phạm các quy định về đầu tư, lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa… Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Công thương Việt Nam và các cơ quan liên quan để cung cấp tài liệu giải trình và lập luận trước việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng trong diện điều tra.

Với việc nhiều quốc gia xem phòng vệ thương mại là “phanh” hãm hiệu quả đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp bảo vệ mình khi ra thương trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng rất cần các cơ quan có thẩm quyền như Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội… trong việc thông tin cảnh báo sớm về các nguy cơ để sớm có sự chuẩn bị.

Văn Anh