Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang Australia

- Thứ Sáu, 02/12/2022, 06:51 - Chia sẻ

Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam trong năm 2021 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 49% so với năm trước. Theo thống kê bảy tháng năm 2022, Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tốt

Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng và cũng cởi mở với hàng hóa nhập khẩu.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Australia là cơ cấu hàng hóa của hai quốc gia mang tính tương hỗ nhau rất tốt. Việt Nam xuất khẩu sang Australia nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc, phương tiện vận tải và sắt thép các loại. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Australia nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu da giày, than đá, quặng sắt, sữa các sản phẩm từ sữa, hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, kim ngạch xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Australia đạt hơn 2,78 tỷ USD, tăng hơn 691,35 triệu USD. Trong các nhóm hàng có giá trị XK lớn là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,92%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,12%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 91,47%; hàng dệt may tăng 19,29%... Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng tích cực, cụ thể: hàng thủy sản tăng 42,18%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,75%; hạt điều tăng 11,91%; hàng rau, quả tăng 8,74%; cà phê tăng 106,78%; gạo tăng 16,22%... Trong các nhóm hàng nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép các loại có sự tăng trưởng mạnh mẽ 546,63%, các nhóm hàng còn lại có mức tăng từ 14,43 - 90,29%.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu đang vào tầm ngắm điều tra phòng vệ thương mại từ Australia
Nhiều sản phẩm xuất khẩu đang vào tầm ngắm điều tra phòng vệ thương mại từ Australia

Cẩn trọng trước hàng rào phòng vệ thương mại

Với 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) chung là FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nên dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Australia rất lớn. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt và lộ trình cắt giảm thuế có lợi hơn để áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu.

Với lợi thế thuế suất hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia hầu hết về 0%, doanh nghiệp xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi tại thị trường Australia với hơn 320.000 Việt kiều, cán bộ, du học sinh đang công tác học tập tại đây. Thương vụ Việt Nam tại Australia đánh giá đây là thị trường tiềm năng, là cơ sở để quảng bá sản phẩm, xây dựng mạng lưới khách hàng, hệ thống phân phối hàng Việt vững chắc tại thị trường Australia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi rào cản kỹ thuật, những quy định ngặt nghèo về an toàn sinh học và đặc biệt Australia là một trong số các quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Việc các doanh nghiệp Việt phát triển và mở rộng thị trường tại Australia sẽ gặp nhiều rào cản khi thường xuyên trong tầm ngắm điều tra phòng vệ thương của thị trường này.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương Chu Thắng Trung cho biết, số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Australia đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Thống kê cho thấy từ đầu năm 2022, Australia đã tiến hành gần 20 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Riêng năm 2020, Australia là một trong hai quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều thứ hai sau Hoa Kỳ với hàng hóa Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là thép, nhôm; một số sản phẩm ngành chế biến, chế tạo cũng bị đưa vào tầm ngắm.

Đại diện Cục phòng vệ Thương mại cho rằng các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xử; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như cân nhắc rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tăng cường sức cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế cạnh tranh giá cũng như chuẩn bị các kỹ lưỡng kiến thức về phòng vệ thương mại khi bị điều tra, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ ở trung ương và địa phương trong việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại cũng như hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại hiệu quả, đáp ứng các quy tắc xuất xứ, tận dụng lợi ích trong các FTA giữa Việt Nam và Australia.

Việt Anh