Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ: “Lợi ích kép” cho doanh nghiệp

Bài 2: Tận dụng làn sóng đầu tư FDI

- Thứ Tư, 05/10/2022, 04:28 - Chia sẻ

Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu đầu tư vào Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về ngành, trong đó các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô và các sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp công nghệ cao đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Nhiều dự án lớn đã được triển khai

Việc một số tập đoàn điện tử, viễn thông nước ngoài quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất để xuất khẩu ra toàn thế giới là một tín hiệu được nhiều doanh nghiệp đón nhận. Khởi đầu cho xu hướng này là các tập đoàn điện tử Nhật Bản như Nidec, Canon và Sanyo. Tiếp đến là các tập đoàn đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), trong đó đáng kể nhất là dự án của Intel, Hon Hai Foxconn, mỗi dự án có vốn một tỷ đô la Mỹ và Samsung Electronics, BSE, EM TECH, Công ty Goertek VN, APPO...

,Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ: “Lợi ích kép” cho doanh nghiệp:Bài 2: Tận dụng những làn sóng đầu tư
Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ: “Lợi ích kép” cho doanh nghiệp. Nguồn: ITN

Gần đây, đã có nhiều dự án đầu tư sản xuất linh kiện của nước ngoài đã ra đời với mức đầu tư từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Đáng kể nhất là các dự án 300 triệu đô la Mỹ của Meiko (Nhật Bản), chuyên sản xuất mạch in điện tử và các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh. Dự án của Hoya, Nhật Bản, đầu tư 100 triệu đô la Mỹ để sản xuất đĩa quang, linh kiện để chế tạo ổ đĩa cứng máy vi tính và máy nghe nhạc. Bên cạnh đó, còn hàng chục dự án khác, sản xuất các loại linh kiện như máy biến dòng, biến thế, linh kiện chống nhiễm từ, linh kiện cộng hưởng âm thanh, thẻ cảm ứng, bộ nối cáp quang, chíp điện tử và các loại linh kiện hàng điện tử gia dụng khác. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, cũng là cơ hội cho các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phát triển.

Sau Nhật Bản, Hàn Quốc được xem là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với các Tập đoàn lớn như Samsung SDI Việt Nam, Furning Precision Component, Mitac Precision; Flexcom Việt Nam... Các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam kéo theo rất nhiều công ty vệ tinh của ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất của Hàn Quốc với quy mô rất lớn. Hàn Quốc còn hỗ trợ chuyển giao công nghệ để phát triển ngành này.

Thị trường tiềm năng

Theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), khoảng 35% số công ty Nhật Bản coi Việt Nam là nước tiềm năng để phát triển sản xuất và bày tỏ sự quan tâm tới Việt Nam. Ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản xác định những năm tới, trong số các nước có tiềm năng phát triển sản xuất, Việt Nam được đặt ở vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ. Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Với việc khởi động xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam như một minh chứng cụ thể cho sự quyết tâm xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ của hai nước.

Còn theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Nhật Bản (JETRO), song song với việc xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần kết hợp với doanh nghiệp của mình tại Thái Lan để hỗ trợ chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trong tương lai sẽ chuyển dần công nghiệp hỗ trợ từ Thái Lan sang Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội mà Nhật Bản đem lại để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam.

Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cũng cho rằng, Việt Nam hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí. Với ngành công nghiệp cơ khí, điển hình là công nghiệp sản xuất xe máy, sản lượng tuy có giảm trong năm vừa qua, đạt 2,5 triệu xe/năm. Đây là ngành có sản lượng tốt nhất, tỷ lệ nội địa hóa cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam đã ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như điện, điện tử, cao su, nhựa.

Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản Akutsu Michio gợi ý, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hóa và tự động hóa cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.

Linh Đan – Phạm Hải