Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ: “Lợi ích kép” cho doanh nghiệp

Bài 1: Chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu

- Thứ Ba, 04/10/2022, 06:24 - Chia sẻ

Hiện, cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp hỗ trợ.

Phụ thuộc vào nhập khẩu

Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa đánh giá: “Năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp” .

Cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Chẳng hạn, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40%. Tuy nhiên, ở những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5% và phần lớn là các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nước cung cấp, ông Nghĩa nêu dẫn chứng.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 8.2022, Việt Nam đã thu hút được khoảng 430 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, có sự xuất hiện của những tập đoàn toàn cầu như: Samsung, LG (Hàn Quốc), Toyota, Honda, Canon (Nhật Bản), Piagio (Ý)… các tập đoàn này đều có nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam để giảm chi phí nhập khẩu và tối ưu hóa trong sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng linh, phụ kiện.

Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình nêu thực tế, mặc dù nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Chưa đáp ứng được tiêu chuẩn

Gần đây nhất, tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) 2021 ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 22 tập đoàn đa quốc gia, nhà sản xuất đã đưa ra nhu cầu tìm nhà sản xuất trong nước với danh mục đặt hàng lên đến 400 linh kiện như: Điện, điện tử, cơ khí, chế tạo chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu không nhiều.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy nêu nguyên nhân: Quy chuẩn, tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cao, trong khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước lại chưa đáp ứng được. Theo chia sẻ, của một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu như các vendor (nhà cung cấp) cấp 1 tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Theo nhiều chuyên gia, lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khi phải cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị lên tới 5 - 10 tỷ USD. Đây thực sự là “quá sức” với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Linh Đan - Phạm Hải