Biến di sản thành tài sản
Để tạo nên bước đi vững chắc cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái đều đang có những cách làm riêng biệt trong việc phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên "biến di sản thành tài sản". Huyện vùng cao Mù Cang Chải là minh chứng sinh động, nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang rực rỡ tuyệt đẹp, Mù Cang Chải như được nhuộm màu ngọc lục bảo xanh mướt của lúa mới, và đến mùa lúa chín lại óng ánh sắc vàng rực rỡ. Qua những đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, miệt mài của những người nông dân đã tạo nên một bức tranh đầy sống động biến đổi theo thời gian, thể hiện sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.
Cũng chính vì vẻ đẹp "có một không hai" này mà mới đây, chuyên trang du lịch Wanderlust Storytellers đã xếp Mù Cang Chải ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 điểm đến sở hữu vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc. “Mù Cang Chải là một trong những nơi tưởng chừng như không tồn tại trên thế giới bởi vẻ đẹp hiếm có của nó. Đây là một trong những điểm đến yêu thích của chúng tôi và chắc chắn cũng sẽ trở thành một trong những điểm đến yêu thích của bạn!”, chuyên trang du lịch này viết. Ngoài ra, đến Mù Cang Chải du khách còn được bay dù lượn từ trên cao ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng óng đem đến nhiều cảm xúc thăng hoa trong hành trình du lịch mạo hiểm của du khách.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết, huyện đã xây dựng và đưa vào khai thác một số loại hình du lịch phù hợp với địa hình, khí hậu, cảnh quan và văn hóa như du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe; du lịch khám phá; du lịch lễ hội. Trong đó, loại hình du lịch văn hóa là trụ cột trong phát triển du lịch Mù Cang Chải.
Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, từ lợi thế về cảnh quan thiên nhiên với đỉnh Tà Chì Nhù và Tà Xùa cao 2.875m so với mực nước biển, huyện đã hình thành sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm tạo nên sự mới mẻ, ấn tượng cho du khách, huyện đặt mục tiêu chung là phát triển du lịch xanh, hài hòa, bản sắc, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết, Yên Bái được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, đa dạng, còn khá nguyên sơ. Đây chính là lợi thế để chúng tôi khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, du lịch mạo hiểm, loại hình đang ngày càng được du khách yêu thích khám phá, trải nghiệm cả trong và ngoài nước ưa chuộng. Với địa hình thiên nhiên ban tặng, Yên Bái có 4 trong 8 đỉnh núi cao nhất Việt Nam là: Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Lùng Cúng, Pú Luông - những cung đường đẹp và hấp dẫn với những người yêu thích leo núi. Kịp thời nắm bắt xu thế mới, tiềm năng rộng mở đó, nhiều người trẻ đã mạnh dạn đầu tư, cùng nhau kết nối các tour leo núi đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phát triển du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa bản địa
Yên Bái là một trong những địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch sáng tạo dựa trên tiềm năng của các cộng đồng bản địa. Khác với các hình thức du lịch truyền thống, các địa phương trong tỉnh đã sáng tạo mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, thiết thực khi được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng địa phương hay còn gọi là du lịch sáng tạo.
Du lịch sáng tạo là loại hình mà du khách có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của họ thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu tại điểm đến. Yên Bái sở hữu nhiều tiềm năng du lịch vô cùng lớn. Đơn cử, một trong những sản phẩm điển hình là các tour du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc. Du khách sẽ được tham gia vào quá trình dệt thổ cẩm cùng các nghệ nhân hoặc khám phá các làng nghề truyền thống như rèn của người Mông… Họ không chỉ được học hỏi các kỹ năng thủ công mà còn có cơ hội tìm hiểu về tinh thần, triết lý sống của người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, vừa cùng gia đình tới thăm địa điểm du lịch nổi tiếng ở Mường Lò. Con gái chị được trải nghiệm dệt vải của người Thái; được cô gái Thái hướng dẫn khâu một chiếc túi bằng thổ cẩm. Chị thì được tham gia làm cốm và hiểu thêm về văn hóa ẩm thực địa phương. "Những gói cốm làm quà mang về đều là tự tay tôi làm với sự hướng dẫn của những phụ nữ Thái. Điều đó khiến cả gia đình hết sức thích thú", chị Lan Anh cho biết.
Khai thác sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, ngành du lịch Yên Bái đã đem đến cho du khách cảm nhận riêng, những kinh nghiệm sống mới mẻ, những tri thức độc đáo về vùng đất, con người thông qua việc trực tiếp trải nghiệm thực tế. Chính điều này đã khiến cho du lịch sáng tạo được đánh giá là hoạt động du lịch của thế hệ mới và nó có sự khác biệt rõ ràng với các hình thức du lịch trước đây.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình, Yên Bái từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh.
Yên Bái chủ động hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch làm mới các sản phẩm đã có, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhằm liên kết, kết nối hoạt động du lịch giữa Yên Bái với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển và các đô thị động lực. Đây được xem là yếu tố bảo đảm “cầu” đối với hệ thống sản phẩm du lịch Yên Bái, qua đó tạo tâm lý yên tâm đối với các nhà đầu tư khi đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ở tỉnh.
Tỉnh Yên Bái cũng tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại tầm cỡ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức trang trọng các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội lớn nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch. Thông qua hoạt động này đã tạo sức lan tỏa trên cả nước, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến mảnh đất Yên Bái.
Trong 8 tháng năm 2024, Yên Bái đón phục vụ khoảng 1.602.003 lượt (đạt 94,24% kế hoạch; tăng 24,7% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế đạt 208.621 lượt (đạt 69,5% kế hoạch, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2023); doanh thu ước đạt 1.317 tỷ đồng (đạt 87,8% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ). Riêng trong tháng 8.2024 đón phục vụ hơn 153.553 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 20.452 lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt 134 tỷ đồng.
Yên Bái phấn đấu năm 2024, đón 1,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỷ đồng.