Tại họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 17.9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn, cung cấp các thông tin, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều gợi ý chính sách tại các Diễn đàn nêu trên đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các chính sách đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Trong đó, nhờ những thông tin “đầu vào” rất quan trọng của Diễn đàn năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, qua đó, tạo niềm tin của xã hội, động lực để phục hồi nền kinh tế. Nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn năm 2022 đã được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV về Kỳ họp thứ Tư...
Ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, trải qua hai năm đối diện với đại dịch Covid-19, mặc dù kinh tế vĩ mô của nước ta duy trì ổn định nhưng một số động lực cho tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
"Bối cảnh này đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới nhằm giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, đồng thời nêu rõ, đây cũng là lý do để Ban tổ chức lựa chọn chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".
Liên quan đến chính sách giảm 2% thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT), qua nghe phản ánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận thấy, doanh nghiệp và người dân muốn kéo dài chính sách này trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc này cần đánh giá, tổng kết sau thời gian thực hiện để chỉ rõ những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới về việc có cần thiết kéo dài chính sách này hay không. Chia sẻ quan điểm cá nhâ, ông cho rằng, chính sách giảm 2% thuế VAT nếu kéo dài được sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa và kích thích tăng trưởng.
Về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó có việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện có nhiều ý kiến đề nghị ban hành sớm Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách chưa nhận được hồ sơ dự án Luật này. Do đó, trách nhiệm của Quốc hội là phải đôn đốc vấn đề này.