Còn lãng phí nguồn lực
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, trong giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm. Nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục. Việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển gắn với khả năng cân đối nguồn lực; kỷ luật tài chính về đầu tư công được tăng cường; thứ tự ưu tiên trong phân bổ được giám sát, giảm bớt tình trạng bố trí vốn dàn trải phân tán; tính công khai, minh bạch được cải thiện.
Cùng với đó, cơ cấu lại vốn đầu tư công đạt kết quả bước đầu tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện; phân bổ tập trung hơn, tỷ lệ số dự án khởi công mới so với tổng số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn trước. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Một số dự án giao thông, thủy lợi, y tế… có tác động lan tỏa được hoàn thành, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. Số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 là 7.354 dự án, bằng 66,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát thực tế và làm việc thực tế với các bộ, ngành, địa phương, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách chỉ ra trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là thực hiện một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 26 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thành công. Việc thực hiện định hướng “đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm” chưa đạt kết quả Quốc hội đề ra. Nhiều dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chậm tiến độ chậm.
Ngoài ra, việc tuân thủ các nguyên tắc “bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang; bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư” chưa triệt để. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, vẫn còn tình trạng phân bổ chưa phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí. Nhiều trường hợp khởi công mới trong khi nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ từ giai đoạn trước chưa được bố trí đủ vốn để tiếp tục thi công; bố trí vốn không đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.
Về những tồn tại này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, dù theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cần phải được cơ bản hoàn thành trong năm 2021. Nhưng đến nay, một số dự án thành phần của Dự án này vẫn chưa xong công tác đấu thầu và một số dự án tiến độ rất chậm như tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, không khó để các đại biểu Quốc hội lấy dẫn chứng từ lá đơn của công dân và ý kiến tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri về những ví dụ đầu tư kém hiệu quả. Đó là những câu hỏi về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hay không ít công trình, dự án ngàn tỷ “đắp chiếu”, thua lỗ, chưa xong đã hỏng. Vấn đề đầu tư công đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều năm nay và lúc nào cũng là điểm nóng nhưng vẫn dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện
Luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Hiện nay, từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản giao cho các địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên. Đại biểu chỉ ra thực tế, vào tháng 2.2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng vì xuất phát từ tính cấp bách, nhưng cũng chính các dự án đó, chỉ sau 6 tháng, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách. “Điều này cho thấy, nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận định.
Theo Báo cáo của Chính phủ, có tổng số 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí, còn lại hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, điều này có thể dẫn đến hệ lụy đó là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm và đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
Vốn đầu tư công cần phải được hiểu đó là tiền thuế của Nhân dân và kể cả là vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là Nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Nhấn mạnh điều này, song đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra thực tế trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát. Nếu không xử lý nghiêm thì theo đại biểu “câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc”.
Để chấm dứt tình trạng này, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với việc động viên những địa phương thực hiện tốt cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.
Để khắc phục tồn tại, Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra, tin rằng, Nghị quyết của Quốc hội sớm được triển khai, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.