Đề xuất ban hành nghị định về quản lý chợ
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, ông Hải cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào. Đồng thời, liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho biết, hiện có hơn 8.000 chợ truyền thống, trong đó 80% chợ có cơ sở hạ tầng hạn chế, kể cả về bảo đảm an toàn thực phẩm. “Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chợ trong tình hình mới, cũng như tìm nguồn lực cải thiện hạ tầng chợ truyền thống, bảo đảm các tiêu chí về an toàn về thực phẩm”.
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu; xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, cung cấp thực phẩm an toàn cũng như giới thiệu nguồn hàng đa dạng, các đặc sản địa phương, vùng miền; thường xuyên lồng ghép các vấn đề an toàn thực phẩm trong các chương trình trọng tâm về hàng Việt, sản phẩm OCOP, phát triển chợ truyền thống.
Thị trường đòi hỏi ngày càng cao
Ở góc độ xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, nhiều thị trường nhập khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm theo hướng an toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu. Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Điển hình là yêu cầu của Liên minh châu Âu đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide trong các sản phẩm mỳ ăn liền. Từ tháng 1.2022, EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm.
Hoặc yêu cầu của Trung Quốc về quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường này theo Lệnh 248 và Lệnh 249. Theo đó, thực hiện hoạt động đánh giá hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu và yêu cầu tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải đăng ký trên hệ thống trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó, một số mặt hàng phía Trung Quốc coi là có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm thì hồ sơ kỹ thuật của doanh nghiệp phải được thẩm xét và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc đáp ứng các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc đối với bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Trong bối cảnh này, phương thức triển khai đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu cần được xây dựng một cách linh hoạt và bám sát thực tế hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời có quy trình khoa học nhằm tạo tiền đề cho các hoạt động nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm về lâu dài”, ông Tấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tấn, với việc tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, thực phẩm Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức về đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín của mình, ông Tấn nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định của từng thị trường để đáp ứng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp thực phẩm phải thay đổi, đầu tư cho công nghệ để nâng cao chất lượng và độ an toàn sản phẩm, đáp ứng thị trường và được thị trường chấp nhận.