Luôn đồng hành với các địa phương
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với sức trẻ của tuổi 20, Cục Công Thương địa phương có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với Bộ Công thương. Cục đã giúp Bộ triển khai nhiều chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển các cụm công nghiệp đến với các địa phương, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn đạt hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm.
Cùng với sự đồng hành của Cục, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai hiệu qủa chương trình khuyến công quốc gia, địa phương giúp TP. Hà Nội phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề, ngành nghề nông thôn, đặc biệt phát triển các cụm công nghiệp. Hiện, trên địa bàn thành phố có trên 100 cụm công nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của thủ đô.
Với kinh phí của khuyến công quốc gia, ngành công thương Hà Nội đã tổ chức trên 60 lớp đào tạo nghề may, công nghiệp cơ khí với 2.400 lao động được nâng cao tay nghề. Tổ chức 12 diễn đàn kết nối cung cầu nguyên vật liệu đầu ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tổ chức bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ.
“Sự ra đời và từng bước phát triển của Chương trình khuyến công quốc gia, chính sách phát triển cụm công nghiệp… định hình cơ chế, chính sách phù hợp, rất cần thiết cho phát triển công nghiệp”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ.
Theo ông Minh khuyến công đã có những đóng góp quan trọng cho công nghiệp, thương mại của Kiên Giang nói riêng và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung trong suốt 20 năm qua. Nguồn vốn có thể chưa lớn những là nguồn động viên, khuyến khích quý báu, giúp cho cùng địa phương phấn khởi, tự tin trên con đường trưởng thành và phát triển.
Cùng quan điểm, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương Lương Mạnh Hùng cho rằng, sự ra đời và phát triển của chương trình khuyến công đã định hình được cơ chế chính sách rất cần thiết cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là đấu ấn đậm nét nhất trong quá trình 20 năm phát triển của Cục Công thương địa phương.
Đổi mới công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới nhằm đưa nước ta trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Cục Công thương địa phương cần tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công quốc gia theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Tham mưu kết hợp hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước với động viên, huy động các nguồn lực xã hội, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Công thương địa phương cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các nhiệm vụ trong tâm bám sát với nhu cầu thực tế. Để phát huy những kết quả đạt được của hoạt động khuyến công trong những năm qua, Cục sẽ tập trung nghiên cứu hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở những yêu cầu, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đổi mới công tác khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua đó ghi nhận, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục về khuyến công, cụm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Phối hợp với các Sở Công thương chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện “Hội nghị ngành Công thương, hội nghị công tác Khuyến công, hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của ngành Công thương, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình, dự án ngành công nghiệp có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền…