Ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 22.12.
Ông Tùng cho rằng, việc thẩm định công nghệ dự án đầu tư nói chung hay thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn hiện nay đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về chuyển giao công nghệ, pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản luật chuyên ngành khác có liên quan như luật xây dựng, luật PPP... trong đó quy định nội dung thẩm định công nghệ dự án đầu tư được cụ thể trong Luật Chuyển giao công nghệ 2017. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã dành 1 chương và 9 điều quy định cụ thể các nội dung có liên quan đến “Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư”
Thực tế các quy định về nội dung thẩm định là chung nhưng thực tế tại từng địa phương có các đặc thù riêng biệt, “các yếu tốt mềm” về các điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, quy mô dân số, đặc thù phát triển (công nghiệp) riêng nên “chất thải rắn” cũng có những khác biệt. Tùy theo địa phương khác nhau thì chất lượng rác khác nhau, môi trường khác nhau. Vì vậy đòi hỏi việc thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn phải hướng đến các “yếu tố mềm” để có những chỉnh sửa phù hợp trong quá trình thẩm định công nghệ các dự án đầu tư có liên quan đến xử lý chất thải rắn hiện nay để đảm bảo dự án sẽ có tính khả thi khi triển khai thực tế sau này.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh: tính hiện đại sẽ luôn đi kèm với mức chi phí, không thể đầu tư một công nghệ hiện đại, đồng bộ mà chi phí xử lý thấp.
Trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, không có một công nghệ duy nhất nào được coi là tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương Việt Nam, theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải.
Một yếu tố nữa là công tác tuyên truyền tới người dân để có thể phân loại được các loại rác thải ngay từ đầu nguồn. Đây là một trong những yếu tốt rất quan trọng để lựa chọn công nghệ mang tới hiệu quả tối ưu – ông Tùng nhấn mạnh