PV:Thưa Bộ trưởng, tại buổi gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “mỗi sáng chế của người dân phải được trân trọng”. Thời gian qua, chúng ta đã có những cơ chế, chính sách cũng như hoạt động cụ thể nào hỗ trợ các nhà sáng chế nông dân đam mê sáng tạo, cải tiến các thiết bị, máy móc phục vụ đời sống và sản xuất?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Phải khẳng định rằng những nhà sáng chế không chuyên nghiệp là một lực lượng quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Họ thực sự là những nhà khoa học không bằng cấp. Những sản phẩm giàu tính ứng dụng của các nhà sáng chế nông dân đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều sản phẩm có giá trị, từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa, máy bóc tách vỏ các loại hạt đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ, tàu ngầm, xe tăng... Nhiều sản phẩm trong số đó đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
Trong những năm qua, Bộ KHCN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Điều lệ sáng kiến ban hành kèm Nghị định 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KHCN đã có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có sáng kiến của địa phương.
Bộ KHCN cùng các đơn vị liên quan cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp KHCN để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số hoạt động nổi bật như Bộ mời và hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên tham gia chợ công nghệ và thiết bị Techmart để giới thiệu sản phẩm. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị bước đầu hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KHCN để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ do họ tạo ra. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức nhiều cuộc thi sáng chế và các hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân…
Thời gian tới, Bộ KHCN cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sáng kiến từ nguồn ngân sách nhà nước, hướng dẫn việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá các sản phẩm, sáng kiến có giá trị. Trong đó, điều quan trọng là đẩy mạnh hỗ trợ việc ứng dụng và thương mại hóa các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm sao để sản phẩm của các nhà sáng chế nông dân vào được thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ cho xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Để làm được điều này, không chỉ có cơ quan nhà nước mà cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng phải chung tay đồng hành và giúp những người dân có sáng kiến ngay từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi có sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, công năng của sản phẩm và tạo ra thị trường. Chúng ta có sản phẩm tốt nhưng chúng ta không có thị trường thì cũng không thể thành công. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng khoa học cùng với nông dân đam mê sáng tạo.
PV:Vâng, có rất nhiều sản phẩm hay của các nhà sáng chế không chuyên nhưng chưa nhiều sản phẩm được thương mại hóa trên thị trường. Dưới góc độ quản lý nhà nước của mình, xin Bộ trưởng chia sẻ giải pháp cụ thể về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KHCN giao cho các Sở KHCN địa phương khi phát hiện người dân có sáng chế thì giúp họ tìm được đến các doanh nghiệp phù hợp để có thể cùng với họ hoàn thiện sản phẩm, đưa vào thị trường. Chúng tôi cũng thấy rằng, việc để doanh nghiệp đầu tư cũng rất khó khăn bởi doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực rất nhỏ. Vì vậy, chúng tôi chủ trương hỗ trợ các nhà sáng kiến theo hướng để họ tự thành lập doanh nghiệp của mình. Theo hướng này, các hỗ trợ của Nhà nước có thể thông qua miễn thuế, hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để các nhà sáng chế tự hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Với chính sách hiện hành, những doanh nghiệp KHCN đã được miễn thuế ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế. Với chương trình đổi mới sáng tạo, chương trình đổi mới công nghệ mà Bộ KHCN đang quản lý thì sẽ có nhiều kênh để hỗ trợ các nông dân làm khoa học, bên cạnh kênh từ doanh nghiệp. Cùng với đó, là các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp lý về sự liên kết, hợp tác giữa nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Về lâu dài, chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách tạo ra môi trường sáng tạo cho những người có đam mê sáng tạo. Bên cạnh việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp, chúng ta cần có các giải pháp, sáng kiến đưa các nhà khoa học, các viện, trường đến với nông dân, và đưa những nhà sáng chế không chuyên đến với thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ như mời các nhà sáng chế không chuyên tham gia các chợ công nghệ thiết bị, các hội chợ kết nối cung cầu để những nhà sáng chế có thể gặp mặt nhau cũng như gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học. Qua đó, những nhà sáng chế có thêm động lực tạo ra các sản phẩm mới và quan trọng là các sản phẩm công nghệ này có thể được hoàn thiện, thương mại hóa và đến với đông đảo người tiêu dùng. Khi đó, các nhà sáng chế có thể bán được sản phẩm của mình, có nguồn tài chính, có thêm các thông tin, kỹ năng để có thể tự phát triển doanh nghiệp của mình.
PV:Vậy lĩnh vực nào Bộ KHCN khuyến khích các nhà khoa học không chuyên thành lập doanh nghiệp KHCN? Bộ trưởng có khuyến nghị gì để các nhà sáng chế không chuyên tránh khỏi tình cảnh “khuynh gia bại sản” vì theo đuổi đam mê, sáng tạo?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, các sáng kiến, sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên vẫn chủ yếu phục vụ và áp dụng trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, cho nên nông nghiệp sẽ là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong việc khuyến khích các nhà khoa học không chuyên thành lập doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cùng các sở KHCN phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân có sáng kiến tạo ra các máy móc, công nghệ phục vụ cho chính sản xuất của bà con.
Hoạt động sáng tạo không có giới hạn. Tất cả những người có đam mê khoa học, đam mê nghiên cứu đều muốn sáng tạo, sáng chế, phát triển ra những sản phẩm, dịch vụ mà mình thích. Tuy nhiên, không phải các sản phẩm, dịch vụ, sáng chế nào cũng được xã hội, cộng đồng đón nhận. Chúng tôi rất mong muốn là người dân trước khi bắt tay vào làm nên tham vấn các nhà khoa học, tham vấn thị trường để tìm câu trả lời là sản phẩm mình làm ra ai sẽ sử dụng, nó sẽ có tác động thế nào và giúp ích gì đối với đời sống và sản xuất của bản thân mình, gia đình mình, bà con làng xóm, địa phương mình, đất nước mình. Trả lời được các câu hỏi này, các sáng chế thành công sẽ có được thị trường. Khi bán được các sản phẩm, người sáng chế có thể có được lợi nhuận, thậm chí là giàu có từ sáng chế của mình. Từ đó, tránh những lãng phí về thời gian và tiền bạc để đầu tư vào các sản phẩm không có địa chỉ ứng dụng; tránh tình trạng mất công mất của, thậm chí khuynh gia bại sản, mất đi đam mê, ý chí sáng tạo.
PV:Ở trên Bộ trưởng có đề cập đến các cơ chế chính sách hỗ trợ các sáng kiến thông qua Điều lệ sáng kiến. Nhưng tại sao sau 3 năm ban hành Nghị định đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về cơ chế tài chính. Đâu là lý do của sự chậm trễ này và bao giờ thì chính sách này có thể đi vào cuộc sống?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Xưa nay, một trong những yếu kém của hệ thống quản lý chúng ta là ban hành các văn bản để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước, các luật của QH rất chậm. Ở đây, có lỗi của các bộ, ngành trong cơ chế phối hợp để ban hành hướng dẫn. Lần này, chúng tôi đã phải chủ động xây dựng Thông tư về chi tiêu của ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng kiến. Chúng tôi đã gửi các dự thảo cuối cho các nhà sáng chế không chuyên - đối tượng trực tiếp thụ hưởng - góp ý kiến hoàn thiện thông tư trước khi thống nhất với Bộ Tài chính để ban hành. Hi vọng là trong quý 2 năm nay, chúng tôi sẽ ban hành được thông tư này, phục vụ cho các nhà khoa học không chuyên.
PV:
Xin cám ơn Bộ trưởng!
Ngày 2.3.2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP về việc ban hành Điều lệ Sáng kiến. Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo NĐ 13/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu, các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến và quản lý nhà nước về hoạt động sáng kiến. Điều lệ này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sáng kiến tại Việt Nam. Theo đó, Điều lệ sáng kiến cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến: - Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp như: tổ chức dịch vụ môi giới chuyển giao sáng kiến; hỗ trợ việc triển khai sáng kiến lần đầu; công bố, áp dụng rộng rãi sáng kiến... - Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức các hội thi sáng tạo, các diễn đàn cho hoạt động sáng kiến nhằm khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia phong trào thi đua sáng tạo. - Các cơ sở công nhận sáng kiến, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể áp dụng các biện pháp nhằm khuyến khích cơ quan, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tạo ra và áp dụng sáng kiến như: ưu tiên xem xét nâng lương, ưu tiên xem xét cấp kinh phí vào tạo điều kiện cho nghiên cứu và hoàn thiện sáng kiến. Điều lệ sáng kiến cũng quy định chi tiết chi phí cho hoạt động sáng kiến và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến. |