Nhiều mảng sáng
GDP quý I tăng 5,03%, trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế có nhiều mảng sáng. Đóng góp quan trọng cho tăng trưởng đến từ khu vực sản xuất công nghiệp, tăng 6,38%, chiếm 51,08%; dịch vụ tăng 4,58%, chiếm 43,16%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, chiếm 5,76%. Tuy khu vực nông nghiệp, thủy sản còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong nền kinh tế, nhưng có gắn bó mật thiết, là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản, lâm sản, là động lực quan trọng cho kinh tế nông thôn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trở lại khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước. Cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đa dạng hơn, nhất là sự tăng trưởng ở các thị trường mới, khó tính như EU, Hoa Kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư, tăng 9,3%. Khu vực ngoài nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2%, tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác dụng, hiệu quả bước đầu quan trọng, tạo động lực mới khôi phục và phát triển kinh tế.
Những số liệu trên cho thấy, “cơ thể” nền kinh tế sau thời gian lâm bệnh nặng, đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn cần nhiều trợ lực vì dễ tổn thương trước các cơn “trái gió, trở trời” đầy bất trắc từ biến động khó lường của kinh tế thế giới với nhiều rủi ro.
Cụ thể, GDP quý I trở lại đà tăng trưởng hơn 5%, là mức cao so với 2 năm trước đó song vẫn còn thấp hơn so cùng kỳ năm 2019, với mức tăng 6,85%. Bức tranh kinh tế cho thấy tín hiệu lạc quan, nhưng mới ở một chiều. Với mục tiêu tăng trưởng trên 6% cả năm, thì con số 5% của quý I vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi các quý còn lại phải tăng tốc để bù vào khoảng trống chỉ tiêu. Lạm phát 1,92% không cao, không thấp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những tác động tiêu cực do thiếu nguồn cung năng lượng, khan hiếm xăng dầu, than, gas, điện và nhiều loại chi phí khác tăng mạnh. Thêm vào đó, bất ổn xung đột giữa Nga - Ukraina và tác động của các đòn trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia cũng gây ra các bất lợi.
Hai khu vực dễ bị tổn thương nhất do tăng giá làm tăng chi phí đầu vào sản xuất là sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp và khu vực nông nghiệp. Giá tăng trực tiếp tác động đến thu nhập thực tế và đời sống người dân. Trước áp lực lạm phát, để bình ổn giá, Chính phủ yêu cầu không được phép tăng giá nhiều mặt hàng chiến lược, trong khi doanh nghiệp phải “gồng mình” gánh chi phí đầu vào tăng mạnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng sản xuất. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm nay là thách thức không nhỏ!
4 giải pháp cần lưu ý
Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ ban hành ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022. Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua.
Các ngành và địa phương cũng đã xây dựng kịch bản. Mục tiêu giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình đòi hỏi các ngành, các cấp phải vận hành các kịch bản một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng trước diễn biến tình hình, nhưng cần phải phối hợp đồng bộ, chỉ huy thống nhất.
Tình hình thay đổi thì cách tiếp cận, biện pháp, giải pháp phải thay đổi. Cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết không gian vùng, liên vùng thay vì chỉ vận hành theo ranh giới hành chính tỉnh. Theo đó, đề nghị quan tâm các gói giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, các địa phương, doanh nghiệp, người kinh doanh và các tác nhân có liên quan trong các chuỗi hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể hóa rõ ràng cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm cụ thể; phân định trách nhiệm tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc phát sinh thường xảy ra sau thời gian dài các chuỗi hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy.
Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu; xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Hai là, thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước. Đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Ba là, kiên trì mở cửa, tạo động lực mạnh mẽ khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước; hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới. Khẩn trương số hóa toàn bộ các dữ liệu du lịch, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. Tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực; xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để phục hồi và phát triển kinh tế.