Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất của nước ta với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 204,9 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 60,6 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 114,3 tỷ USD, tăng 30,4%.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 134,6 tỷ USD, tăng 21,5%. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% và nhập khẩu 15 tỷ USD, tăng 8,8%.
Kết quả xuất nhập khẩu năm 2024 tiếp tục ghi nhận Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.
Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, ngành dệt may được kỳ vọng đạt 25 tỷ USD, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024, với động lực chính là xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế. Các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông cũng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị dự kiến tăng từ 15 - 18% nhờ sự mở rộng sản xuất từ các tập đoàn như Samsung, Intel, và LG.
Ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, và hạt điều, được dự báo đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD. Sự ổn định trong chất lượng sản phẩm và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Hoa Kỳ là yếu tố then chốt giúp ngành này tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, các mặt hàng như cao su và sắt thép cũng được dự đoán sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ.
Giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại
Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ năm nay dự báo có nhiều biến động, bởi chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump; để đạt được các mục tiêu xuất khẩu kể trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt và vượt qua một số thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề phòng vệ thương mại.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, quốc gia này đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 267 vụ việc nước ngoài điều tra với nước ta (chiếm 25%), bao gồm 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 3 vụ việc tự vệ.
Ngoài ra, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ và đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản để duy trì và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2025. Với kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, tác động thuế quan gắt gao hơn có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; đồng thời thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế, cũng sẽ tạo sức ép với nước ta. Khi đó, Bộ Công thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho rằng, trước mắt cần lưu tâm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Bởi điều này có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại, chống gian lận thuế, xuất xứ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Có thể xem xét nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hoa Kỳ, từ đó cân bằng cán cân thương mại hài hòa. Bên cạnh đó, cần cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.
Để tận dụng lợi thế từ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hạn chế rủi ro thương mại, ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Lê Hằng khuyến cáo, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.