Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông về Hiệp định và Hệ thống VNTLAS cho các bên liên quan, đồng thời hỗ trợ Việt Nam sẵn sàng thực thi cam kết về công bố thông tin cho các bên bao gồm cả cơ chế tiếp cận thông tin như đã cam kết trong Phụ lục VIII của Hiệp định.
Hiệp định VPA/FLEGT có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Các nội dung này của Hiệp định sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong chuỗi cung gỗ của Việt Nam. Mỗi một đối tượng này sẽ chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau và họ sẽ có mối quan tâm, nhu cầu thông tin khác nhau về các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc dự án Phạm Văn Điển nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam với EU đang đi vào quá trình chuẩn bị thực thi. Dự án này sẽ góp phần giải quyết một cách căn bản các vấn đề hết sức cần thiết về thông tin, truyền thông và công bố thông tin theo cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT nhằm thực hiện Hiệp định một cách có hiệu quả.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh, Dự án sẽ thực hiện 8 hoạt động chính được thiết kế trong 24 tháng triển khai dự án tính từ thời điểm dự án được phê duyệt (14.3.2019) bao gồm: đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT; đánh giá tính sẵn có của các thông tin được công bố theo quy định tại Phụ lục VIII của Hiệp định; xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin; xây dựng và phát hành bộ tài liệu chuẩn về Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS cho các nhóm đối tượng mục tiêu; cung cấp và phổ biến thông tin cho lãnh đạo chính quyền địa phương; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp FDI; cung cấp và phổ biến thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Trong đó, đối với hoạt động dự án sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin trên nguyên tắc thống nhất nhu cầu thông tin, các kênh truyền thông, các loại tài liệu và nhà cung cấp thông tin cho các nhóm đối tượng mục tiêu. Thời gian thực hiện từ tháng 6 - 8.2019.
Dự án sẽ căn cứ vào nhu cầu thông tin dựa trên kết quả đánh giá để xác định các tài liệu phù hợp cho ba nhóm đối tượng gồm: Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; các hộ gia đình trồng rừng; các cơ quan xác minh. Ngoài ra, Dự án cũng hoàn thiện một bộ tài liệu chung nhất về VPA cho tất cả các nhóm, đơn cử như Quyển hỏi đáp về VPA – dự kiến được in ấn vào cuối tháng 5 đầu tháng 6.2019 khi hai bên tuyên bố Hiệp định đã được phê chuẩn. Riêng Tài liệu chuẩn về Hệ thống VNTLAS, dự án sẽ xây dựng ngay khi có nghị định VNTLAS, dự kiến đầu năm 2020 sẽ hoàn thiện.
Với các hoạt động liên quan đến cung cấp thông tin về VPA và VNTLAS cho các bên liên quan, Dự án chỉ tập trung cung cấp thông tin, không tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn. Bên cạnh việc tổ chức một số hội thảo về VPA cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên gồm lãnh đạo chính quyền tỉnh và địa phương, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước, khu vực tư nhân nước ngoài và cơ quan báo chí, truyền thông, Dự án cũng sẽ thiết lập mạng lưới các nhà báo, cơ quan truyền thông về VPA (kế thừa từ nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục và Phát triển – CED để hợp tác cung cấp thông tin tổ chức các cuộc họp.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế Nguyễn Tường Vân, do thời gian và nguồn lực có hạn nên dự án chỉ tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên. Đối với các nhóm đối tượng còn lại, đặc biệt là nhóm hộ trồng rừng, Tổng cục hy vọng các tổ chức và đơn vị liên quan sẽ cùng thúc đẩy hỗ trợ truyền thông một cách phù hợp và hiệu quả.