Nộp ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng
Sáng 24.12, KBNN tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, KBNN đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành cơ bản xuất sắc tất cả các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2021, góp phần vào thành công chung của ngành tài chính. “Hệ thống KBNN bảo đảm công tác chi ngân sách ngày càng chủ động, đáp ứng nhu cầu chi phòng, chống dịch. Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ tương đối thành công với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn và số lượng phát hành nhiều hơn".
Theo báo cáo của KBNN, bám sát dự toán thu, KBNN các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ kịp thời công tác điều hành thu ngân sách các cấp. Tính đến hết ngày 15.12, luỹ kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng; bằng 107,11% so với dự toán năm 2021 được giao. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 101,13% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 114,44% so với dự toán năm.
Cũng đến ngày 15.12, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán; từ chối thanh toán 22,6 tỷ đồng.
Thông qua công tác quản lý ngân quỹ, KBNN tiếp tục nộp ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng. Về huy động vốn cho ngân sách, đến 15.12, KBNN đã huy động được 313,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch điều chỉnh. Kỳ hạn phát hành bình quân là 13,9 năm, lãi suất bình quân là 2,3%/năm.
Năm 2021, KBNN được giao một nhiệm vụ mới là quản lý Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Ban Quản lý Quỹ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ; thực hiện công khai số tài khoản tiếp nhận ủng hộ, số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Tính đến hết ngày 23.12, tổng số tiền ủng hộ Quỹ đạt 8.800,55 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 55,9 tỷ đồng). Chi từ Quỹ 7.671,5 tỷ đồng, trong đó, chi mua vaccine 7.666,9 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng. Số dư Quỹ là 1.129,05 tỷ đồng.
Hơn 99% chứng từ chi qua dịch vụ công trực tuyến
Tiếp tục nỗ lực cải cách và hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, trong năm 2021, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia. Số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến kho bạc đạt trên 99%. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7. Qua đó, giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động và công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi ngân sách.
Cũng trong năm 2021, KBNN đã tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin đạt hiệu quả rất tích cực. Cụ thể, KBNN đã nghiên cứu phương án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hình thành hệ thống ngân sách và kế toán số; xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin KBNN giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới hình thành kho bạc số; xây dựng phần mềm liên thông ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống TABMIS và thanh toán song phương điện tử; xây dựng mới và nâng cấp mới nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, bảo mật.
Trong năm 2021, KBNN đã triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đạt 99,4%, đây là một trong các kênh thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN, giúp KBNN cải thiện chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức.
Với các kết quả đạt được, KBNN tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục của Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính năm 2020.
Bước sang năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng yêu cầu KBNN tiếp tục đẩy mạnh cơ chế chính sách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường kiểm soát rủi ro để bảo đảm thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng...