Nhìn vào danh sách đại biểu tham gia phát biểu, thảo luận tại Diễn đàn mới hiểu sự băn khoăn của Giáo sư không phải là không có cơ sở. Bởi ngoại trừ ông vẫn được bạn bè đồng nghiệp, học trò, giới truyền thông gọi bằng cái tên thân mật “giáo sư của ruộng đồng” vì nhiều năm gắn bó, lăn lộn cùng người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long thì hầu hết đều là chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân. Giải thích cho sự băn khoăn của mình, Giáo sư chỉ vào tên Diễn đàn, tiếc nuối, chủ thể chính được bàn bạc ở đây là người nông dân mà thiếu đi tiếng nói trực tiếp từ gan ruột của họ, nội dung thảo luận làm sao mà đa diện được? Ông tự nhận, dù gắn bó, lăn lộn cùng người nông dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, cả nỗi lo lắng của họ nhưng ông vẫn không đủ tự tin để truyền đạt hết những điều mà chính người nông dân nung nấu.
Đây không phải là lần đầu tiên, tại một diễn đàn thiếu vắng sự tham gia của chủ thể chính là đối tượng được bàn tới. Dĩ nhiên, nhà tổ chức có cái lý cho việc chọn lựa nhân vật, đại biểu tham gia. Và cũng đương nhiên, tiếng nói của nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học bao giờ cũng chứa những nội hàm uyên thâm, có tính phổ quát cao. Nhiều khi, tên tuổi, chức danh, vị trí của họ đã là một bảo chứng cho những phát biểu của mình; thậm chí còn là căn cứ để những nhà hoạch định chính sách lấy đó làm dữ liệu mà đề ra đường hướng, quyết sách cho hợp lý. Song, giá như tại một Diễn đàn liên quan đến người nông dân, cụ thể là đến quyền lợi sát sườn của 70% dân số đang tham gia sản xuất nông nghiệp - vốn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế - khi đất nước hội nhập, có tiếng nói trực tiếp của người nông dân, hoặc của một đại diện Hội Nông dân, đại diện hợp tác xã hay nông lâm trường nào đó. Có thể, tiếng nói ấy vẫn còn lẫn lộn trong cách phát âm giữa “n” và “l”; có thể không trơn tru như các bài tham luận là những công trình dày công nghiên cứu; có thể là chuyện họ không biết TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) là gì, AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) ra sao; hay việc họ bất lực trong câu hỏi làm thế nào để không mua phải phân bón/thuốc trừ sâu giả… Nhưng đó là nỗi lòng của chính người nông dân và rất cần được lắng nghe, chia sẻ.
Quay trở lại với mối băn khoăn, Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu dẫn chứng từ đất nước Hoa Kỳ xa xôi, Chính phủ sẽ phải thảo luận với nông dân, doanh nghiệp trước khi dự định đưa điều khoản nào đó vào trong TPP. Dẫu sao, đó là chuyện ở cách chúng ta nửa vòng Trái Đất! Song, không quá khó để nhận ra nội hàm thông điệp mà Giáo sư muốn nói đến. Ấy là người nông dân cũng cần lên tiếng và được trao cơ hội lên tiếng về những vấn đề liên quan đến sinh kế của mình, như việc phát biểu tại một Diễn đàn liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân chẳng hạn. Để chí ít, người tham dự sẽ không còn phải băn khoăn, rằng tại sao chủ thể được bàn đến là người nông dân nhưng chẳng thấy bóng dáng của “một ông nông dân nào”.