Quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã ghi nhận ý kiến đóng góp, phản biện của các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, công chức, các tầng lớp Nhân dân... để hoàn thiện. Qua hơn 2 năm nỗ lực xây dựng Quy hoạch tỉnh, ngày 13.6.2023, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Theo đó, Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.
Trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững
Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng trên, 3 đột phá phát triển được tỉnh xác định, bao gồm: (1) Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. (3) Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
1 trung tâm - 2 hành lang - 3 vùng kinh tế - xã hội - 6 trục động lực
Quy hoạch tỉnh Long An xác định việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “1 trung tâm, 2 hành lang kinh tế, 3 vùng kinh tế - xã hội, 6 trục động lực”.
Theo đó, TP. Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 2 hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4: bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh; Hành lang phát triển phía Nam: bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục Quốc lộ 50B).
3 vùng kinh tế - xã hội gồm: (1) vùng đô thị và công nghiệp: tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An. (2) vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh; Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. (3) Vùng đệm sinh thái: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
6 trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4; Trục động lực Quốc lộ 50B; Trục động lực song hành Quốc lộ 62; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; Trục động lực Quốc lộ N1; Trục động lực Đức Hòa.
Quy hoạch nhấn mạnh quan điểm phát triển: phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài. Phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.