Thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết
Từ thực tiễn làm công tác cung ứng nhân lực trung gian cho các doanh nghiệp, theo ông Trịnh Quang Thiệu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Phát triển nguồn nhân lực Thiên An, nhu cầu về lao động có trình độ cao vẫn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, cơ khí, điện, điện tử… Với các vị trí này, doanh nghiệp thường được đối tác có nhu cầu đưa ra mức lương trung bình từ 800 USD đến trên 2.000 USD tùy theo năng lực.
"Trình độ chuyên môn, bằng cấp và ngoại ngữ là 3 yếu tố nếu người lao động bảo đảm được thì doanh nghiệp luôn sẵn sàng chi trả mức lương rất cao" - ông Trịnh Quang Thiệu cho hay.
Thừa nhận Việt Nam đang rất thiếu lao động trình độ cao, ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt cho biết một thực tế, khi các doanh nghiệp FDI có nhu cầu đầu tư và mở các nhà máy tại Việt Nam, họ luôn quan tâm đến nguồn nhân lực, song khi thực hiện phỏng vấn, tuyển dụng các lực lượng lao động có chất lượng cao thì rất khó.
Nhiều công ty công nghệ chia sẻ, khi không tìm kiếm được nguồn lao động chất lượng cao trong nước, các doanh nghiệp FDI bắt buộc phải tuyển dụng lao động nước ngoài vào để thực hiện các công việc có tính chất chất lượng cao, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất.
Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ trong nội bộ ngành công nghệ thông tin mà tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều ứng dụng trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các kỹ năng về công nghệ thông tin của người lao động dẫn tới một số khó khăn trong duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng mới còn thiếu.
Công tác đào tạo phải đi đầu
Trong bối cảnh này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin; có khả năng sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa lao động trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống.
Từ đó, dẫn tới nguy cơ khó kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có khả năng làm xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, công tác đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng xây dựng dự thảo Đề án Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động. Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%. Đồng thời đánh giá, công nhận kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho 20 triệu lượt người lao động (mỗi năm bình quân 3 triệu người); tổ chức, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cho 1 triệu lượt người lao động.
Theo đó, đến năm 2025, xây dựng và số hóa học liệu về chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; xây dựng, phát triển nền tảng số để tổ chức đào tạo trực tuyến; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn và tổ chức học tập kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng học tập trực tuyến cho khoảng 500 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và khoảng 100.000 người lao động.
Từ năm 2025, mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng trên nền tảng trực tuyến cho khoảng 3.000 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông thôn (mỗi năm bình quân 600 người) và tổ chức đào tạo, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 2,5 triệu người lao động (mỗi năm bình quân 500.000 người).