Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng nhấn mạnh, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa mở đầu năm 2024, hướng tới kỷ niệm 15 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thi có sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật quần chúng và 62 làng quan họ với hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, các liền anh, liền chị. Các đoàn tham gia 2 nội dung thi: Sân khấu ca nhạc và Sân khấu thi hát đối đáp quan họ. Đặc biệt, sau 27 năm tái lập tỉnh, Hội thi năm nay có sự tham gia của đoàn nghệ thuật quần chúng và các liền anh, liền chị đến từ tỉnh Bắc Giang.
Ở nội dung Sân khấu thi hát đối đáp 50 bài và 150 bài dân ca quan họ Bắc Ninh, các thí sinh hát không nhạc đệm. Qua đó, mọi người có điều kiện hiểu hơn về văn hóa cũng như lề lối cổ, chất vang rền nền nảy của dân ca quan họ.
Ở nội dung Sân khấu ca nhạc, thí sinh thể hiện những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ; những bài đặt lời mới dựa trên làn điệu dân ca quan họ; các ca khúc mang âm hưởng dân ca quan họ có nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc và công cuộc đổi mới trên quê hương, đất nước.
Hội thi là nét đẹp văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của miền đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, góp phần tiếp tục khẳng định sự phát triển và sức sống mãnh liệt của Di sản dân ca quan họ Bắc Ninh giàu bản sắc văn hóa.
Đây là dịp để các liền anh, liền chị quan họ, những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ những giá trị độc đáo trong sinh hoạt văn hóa quan họ; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong thực hành, lưu truyền, quảng bá di sản văn hóa quan họ; khẳng định sức sống mạnh mẽ của phong trào sinh hoạt văn hóa và ca hát quan họ ngày càng phát triển trong đời sống đương đại. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hội thi diễn ra đến hết ngày 14.3.