Việt Nam sẽ tổ chức khoảng hơn 20 hoạt động tại Hội nghị COP 28
Đoàn cấp cao của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu cùng đại diện Lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 2.12. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại COP28 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tham dự toàn thời gian diễn ra Hội nghị COP28, bao gồm cả các phiên họp trù bị. Các thành viên tham gia Đoàn là các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH từ Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp.
Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP28 khẳng định một thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn câu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị COP28, đoàn Việt Nam sẽ tổ chức khoảng hơn 20 hoạt động tại Phòng sự kiện bên lề (Việt Nam Pavilion). Đồng thời, đoàn Việt Nam cũng tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28 nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động theo chủ đề tại Hội nghị COP28
Tại COP28 sẽ có các hoạt động theo các chủ đề như sau:
Ngày sức khỏe, phục hồi và hòa bình (ngày 3.12): Thảo luận các tác động của BĐKH lên con người nhằm thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ y tế, cứu trợ nhân đạo, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tái thiết và hòa bình;
Ngày thiên nhiên, sử dụng đất và đại dương (4.12): Tập trung thảo luận, trình diễn các giải pháp mang lại đồng lợi ích về khí hậu và thiên nhiên. Việc thông qua mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học gần đây mang đến cơ hội tăng cường chính sách và đầu tư các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên, hệ sinh thái.
Ngày hệ thống thực phẩm và nước (5.12): Tập trung thảo luận về quan hệ đối tác toàn cầu để cùng đạt được phát thải ròng bằng “0”, có trách nhiệm với thiên nhiên, các hệ thống về nước và thực phẩm nông nghiệp có tính chống chịu với khí hậu. Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm cụ thể bao gồm đầu tư đổi mới, mua sắm và lộ trình chuyển đổi của các quốc gia thông qua cơ chế tài chính và chuẩn bị dự án.
Ngày chuyển đổi năng lượng công bằng, công nghiệp, thương mại (6.12): Tập trung thảo luận và trình diễn các đòn bẩy và lộ trình để khử các-bon nhanh chóng trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng, công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Trình bày những kết quả thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất thép, xi măng và nhôm, thúc đẩy sản xuất hydro xanh, giảm phát thải trong quá trình khai thác dầu khí. Thảo luận về việc tiếp cận năng lượng toàn cầu, nhu cầu của người lao động trong ngành năng lượng, vai trò của thương mại như một phần thiết yếu của giải pháp ứng phó BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng thông minh với khí hậu, bao gồm khử các-bon trong chuỗi cung ứng, xanh hóa và khả năng phục hồi.
Ngày về thanh niên, giáo dục và kỹ năng (8.12): Thảo luận các biện pháp tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào quá trình ra quyết định tại các Hội nghị BĐKH; lắng nghe tiếng nói của thanh niên trong các phiên thảo luận chính sách của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC); trình diễn các giải pháp, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo do thanh niên làm chủ; thúc đẩy tăng cường năng lực, đào tạo và việc làm xanh phù hợp với hành động khí hậu.
Ngày tài chính khí hậu, bình đẳng giới (9.12): Thảo luận các biện pháp giải quyết 3 thách thức chính trong tài chính khí hậu: Thiếu quy mô, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả. Trình diễn minh chứng đầu tư vào một nền kinh tế các-bon thấp và bền vững không chỉ khả thi về mặt kinh tế, mà còn tạo cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Các giải pháp giúp khai thông nguồn tài chính khí hậu ở quy mô lớn thông qua cải cách cấu trúc tài chính quốc tế vĩ mô, phát triển thị trường tài chính bền vững, thị trường các-bon tự nguyện, thúc đẩy đầu tư và huy động khu vực tư nhân, áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Về bình đẳng giới, các bên sẽ tập trung vào các chính sách và đầu tư để đạt được chuyển đổi "công bằng giới" cho phép sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ, trẻ em gái vào hành động khí hậu.
Ngày thành phố, các vùng và đô thị hóa/giao thông (10.12): Trong bối cảnh thế giới với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các thành phố và khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thay đổi phong cách sống, tiêu dùng và di chuyển. Các bên liên quan sẽ trao đổi về việc huy động các nguồn lực để tăng cường giải pháp giảm phát thải các-bon, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có trách nhiệm với thiên nhiên, cung cấp nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa thân thiện với con người và hành tinh.