Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) đến từ nhiều quốc gia và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trao đổi về triển vọng kinh tế châu Á, các diễn giả cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt các thách thức, khu vực châu Á vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo sẽ duy trì vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu trong những năm tiếp theo. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang nỗ lực cải cách thương mại và cơ chế đầu tư, ưu tiên quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính công và quản trị khu vực công. Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho rằng, về lâu dài cho dù được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển, song châu Á cần có những đối sách phù hợp để giải quyết những thách thức nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng.
Một số thách thức đặt ra là năng suất trì trệ, tình trạng đói nghèo, đô thị hóa; mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những rủi ro tiềm ẩn, xung đột địa chính trị. Các diễn giả cũng trình bày những thuận lợi, khó khăn của một số quốc gia trong xu thế phát triển mới của châu Á và thế giới. Đối với Việt Nam, các diễn giả cho rằng, về ngắn hạn, kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên về lâu dài, việc cải thiện tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đòi hỏi phải khắc phục các vấn đề về cơ cấu kinh tế và tăng khả năng chống đỡ với các rủi ro.