Thực trạng này, một lần nữa được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, trong các nội dung thuộc các văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Có trường hợp do chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản có liên quan dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất.
Đáng nói là, không chỉ văn bản này có một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo với của văn bản khác, mà thậm chí có trường hợp ngay trong cùng một văn bản cũng đã có những quy định “vênh” nhau. Đơn cử như: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 quy định “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương…”. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 37 của Nghị định này lại quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương”.
Việc tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để thúc đẩy đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp luôn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Quan điểm này luôn được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật. Tiếc rằng, dù không nhiều, nhưng vẫn có một số văn bản hướng dẫn luật vẫn để “lọt” một số quy định như “giấy phép con”. Đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng chi phí, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp thời gian qua.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn bản hướng dẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn là do việc đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản chưa được chú trọng đúng mức. Có trường hợp còn mang tính hình thức, thiếu tính khoa học, chưa được đánh giá tác động đầy đủ, kể cả đánh giá tác động về thủ tục hành chính. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến văn bản được ban hành nhưng tính khả thi chưa cao, làm phát sinh thủ tục xin - cho, “giấy phép con” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn chỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và ngược lại. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật. Cùng với đó, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả. Kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Văn bản dưới luật là các văn bản phát sinh hiệu lực trực tiếp và được áp dụng phổ biến trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Để kịp thời khắc phục những quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản hướng dẫn, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực phụ trách lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Cùng với đó, xác định rõ tiến độ thực hiện. Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản bởi cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng quy định của văn bản hướng dẫn có độ “vênh” với hệ thống pháp luật.