Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam, khẳng định công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong tiến trình đổi mới đất nước.
Để xây dựng được dự án luật chính thức trình ra Quốc hội, vừa qua, công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến. "Hội thảo này là một trong những hội thảo quan trọng. Do vậy, đề nghị các đại biểu dành thời gian, nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi, chia sẻ, đóng góp khắc phục những bất cập của dự án luật này", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012 tại hội thảo, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, qua 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.
Thứ nhất, bất cập trong quy định về hệ thống tổ chức, bộ máy và quản lý cán bộ công đoàn, như cơ chế giao chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống và yêu cầu thực tiễn; chưa hợp lý về cơ chế tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách; bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Thứ hai, quy định về tài chính công đoàn và công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn còn nhiều hạn chế; chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thứ ba,một số quy định của Luật Công đoàn chưa đảm bảo tính tương thích với các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019.
Trên cơ sở đánh giá, tổng hợp và phân tích kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, dự án Luật sửa đổi cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, cũng như các vấn đề mới phát sinh mà Luật Công đoàn 2012 chưa điều chỉnh.
Cùng với đó, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn; tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.