Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Lâu nay, câu chuyện được mùa mất giá, hàng hóa nông sản bị ách tắc bởi không tìm được đầu ra là mối lo ngại của người nông dân trong mỗi vụ thu hoạch. Đây cũng là vấn đề “nóng” ở nhiều kỳ họp Quốc hội.
Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV gửi đến các đại biểu Quốc hội, cho thấy về hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đã tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản địa phương tới thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn trọng điểm, như: Sơn La (mận, xoài, bơ, chanh leo, na, nhãn, mắc cọp), Hòa Bình (sản phẩm chế biến từ cam và chanh, măng sơ chế, chè), Lào Cai (trái cây, thủy sản), Bắc Giang (nhãn, vải), Lạng Sơn (na), Đồng Tháp (thanh long, ổi, cam, chanh, xoài, nhãn, khoai, dưa vàng, rau củ, các loại bún miến), Lâm Đồng (rau, củ, quả), Vĩnh Long (khoai lang, rau quả)...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn nhìn nhận, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản. Kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương còn hạn chế về nguồn lực, cơ chế, chưa có kịch bản tổng thể phát triển thị trường và sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa theo đặc thù và lợi thế so sánh của địa phương, nên còn lúng túng trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Lý giải về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này, theo tư lệnh ngành nông nghiệp là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, nên chịu tác động biến động giá nguyên liệu thế giới. Việc sản xuất không theo định hướng quy hoạch tại nhiều vùng, địa phương vẫn còn phổ biến, dẫn đến nguồn cung sản phẩm vượt quá nhu cầu thị trường, gây ra hiện tượng mất cân đối cung - cầu. Cơ chế chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước thời gian qua đã được Trung ương quan tâm điều chỉnh theo hướng tăng cường hỗ trợ cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX; nhưng trong triển khai thực tiễn, cách làm còn hạn chế về nội dung, định mức hỗ trợ. Bên cạnh chú trọng thị trường xuất khẩu, còn chưa quan tâm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của thị trường tiêu thụ trong nước. Kinh phí dành cho nội dung phát triển thị trường trong nước theo Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 của Chính phủ chỉ chiếm hơn 19% tổng kinh phí của cả Chương trình. Trong nhóm phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,5%...
Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng được các đại biểu đề cập. Nhiều giải pháp cũng được các đại biểu hiến kế. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông sản vẫn là nỗi lo hiện hữu không chỉ với người nông dân làm ra sản phẩm mà còn là sự trăn trở của những người làm công tác quản lý.
Còn nhớ, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ rõ: chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản của chúng ta "còn luẩn quẩn, có nhiều bế tắc". Trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết: “Lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Công thương sẽ không quên, sẽ có những giải pháp đồng bộ, phân kỳ, có phân trách nhiệm rõ ràng”. Đây là một cam kết chính trị rất lớn của tư lệnh ngành được cử tri đánh giá cao.
Chiều nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chính thức ngồi vào ghế “nóng”. Những nỗ lực trong quản lý, điều hành và những chuyển biến trong hoạt động của ngành nông nghiệp vừa qua là điều rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, bên cạnh đó những tồn tại của ngành cũng đã được Bộ trưởng thẳng thắn báo cáo với Quốc hội. Đây là vấn đề cử tri, nhân dân rất quan tâm và chắc rằng những mối quan tâm của cử tri sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn với tư lệnh ngành Nông nghiệp.
Mong rằng, những tồn tại của ngành sẽ được các đại biểu chất vấn thẳng thắn để nhận diện rõ hơn cả về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp qua phiên chất vấn này. Cùng với đó, là những cam kết hành động quyết liệt từ phía Bộ trưởng.