Tại hội thảo, PGS. TS Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 38 - 40 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân bón chỉ là 35 - 40%, còn lại thải ra môi trường 60 - 65%. Điều này dẫn đến lãng phí 23 - 26 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Lượng phân thất thoát còn góp phần gây biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, làm đất bạc màu và khó phục hồi. Việc lạm dụng phân hóa học cũng ảnh hưởng tới nguồn gene sinh vật và cả con người, tạo ra rất nhiều chủng vi sinh vật đột biến, gây bệnh. Vì vậy, nhóm nhà khoa học tại Viện Khoa học vật liệu nghiên cứu loại phân cho hiệu quả sử dụng cao hơn, PGS. TS Hà Phương Thư cho biết.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS. TS Hà Phương Thư chia sẻ, kết quả nghiên cứu phân bón nano tích hợp được sử dụng nguồn nguyên liệu tách từ vỏ hàu, thu được nano hydroxyapatite (canxinano). Từ công nghệ này, nhóm nghiên cứu đã phát triển 3 sản phẩm cho cây trồng dựa vào công nghệ nano gồm dưỡng chất nano tích hợp, nano vi lượng và dung dịch nano chữa bệnh để sử dụng kết hợp phun trên các gốc, mặt lá... giúp tạo sức đề kháng cho cây với các loại sâu bệnh gây hại, bệnh do vi khuẩn nấm gây ra.
Các sản phẩm này có thể ứng dụng trên nhiều loại cây, trong đó có cây gừng, nghệ vàng và măng tây. Khảo nghiệm thực tế tại HTX Trường Xuân (Nam Định) cho thấy, sử dụng chế phẩm nano kim loại chữa bệnh trên măng tây, nấm bệnh măng tây Puccinia Asparagi khiến sọc thân khô và nấm bệnh Cercospora Asparagi gây hại cho thấy hiệu quả sau 7 ngày sử dụng.
Theo các chuyên gia, phân bón công nghệ cao có nhiều ưu điểm như tiết kiệm phân và công lao động, tăng năng suất, thân thiện với môi trường. Cụ thể, phân bón công nghệ cao giúp giảm lượng đạm sử dụng xuống còn 30% và tương tự với phốt pho, kali; tăng năng suất 15 - 20% so với phân thường. Kết quả thí nghiệm năm 2022, sử dụng phân bón lá nano cho cây bơ booth cho kết quả tăng năng suất 6% so với sử dụng phân bón lá truyền thống và tăng 12% so với không sử dụng (sử dụng nước lã).
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu các công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ nuôi cấy mô thực vật trong nhân giống chất lượng cao; công nghệ chế tạo vật liệu bao gói khí quyển biến đổi trong bảo quản thực phẩm; công nghệ sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây lan kim tuyến…